Thông tin tổng hợp từ một số địa phương cho biết, từ đầu năm 2011, nhiều doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng thiếu lao động, làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Như các doanh nghiệp nằm trong 20 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An hiện thiếu hơn 10.000 lao động.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng có nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng vì người lao động "chê" việc, nhất là công việc nặng nhọc.
Còn tại tỉnh Cà Mau, nhu cầu tuyển lao động vào làm việc tại các nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tăng mạnh, dự kiến sẽ tuyển khoảng 10.000 công nhân. Nhưng khi các chủ doanh nghiệp đang đôn đáo tìm lao động lại có thể thấy nhiều điều mừng hơn lo.
Thứ nhất, nhu cầu tuyển lao động tăng chứng tỏ các doanh nghiệp đang phát triển sản xuất, nhận được nhiều đơn đặt hàng. Đây là tín hiệu mừng đối với nền kinh tế nói chung vào đầu năm 2011.
Thứ hai, cung – cầu lao động chưa gặp nhau chủ yếu bởi một số nguyên nhân chính là lương thấp, điều kiện ăn ở thiếu thốn, lao động chưa qua đào tạo... Có thể khẳng định lao động có tay nghề cao luôn được các doanh nghiệp chào mời, ngay cả trong lúc khó khăn chung.
Nhưng số lao động này lại không nhiều, mà chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nên doanh nghiệp lâm vào tình trạng “cần người thì không có, người có thì không cần”.
Bởi vậy, với các doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng lớn, điều đầu tiên họ nghĩ tới là phải tự lo khâu đào tạo lao động, chủ động liên hệ với các trung tâm, trường dạy nghề. Nhu cầu của doanh nghiệp sẽ giúp công tác đào tạo nghề đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo “đầu ra” ổn định.
Ở lý do tiền lương, người lao động có quyền đòi hỏi mức lương cao hơn xứng đáng với công sức bỏ ra. Như ở Vĩnh Phúc, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài trả lương 2 – 2,5 triệu đồng/tháng có thể coi là khá, nhưng lao động tay nghề cao lại coi là chưa đủ, bởi họ tự mở xưởng sản xuất có thu nhập cao hơn.
Như vậy, người lao động được chủ động đàm phán về lương sẽ góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống, doanh nghiệp cũng phải san sẻ lợi nhuận để có nhân công xứng đáng. Ngoài ra, để giữ chân công nhân tay nghề cao, doanh nghiệp cũng sẽ phải nghĩ đến các chế độ phúc lợi, đầu tư nhà ở, các thiết chế văn hóa xã hội... cho công nhân.
Bởi vậy, mỗi khi doanh nghiệp kêu khó khăn vì thiếu lao động thì đừng vội cần những giải pháp cấp bách trước mắt. Quy luật cung – cầu sẽ ủng hộ những doanh nghiệp có chiến lược dài hơi, nhìn xa trông rộng. Còn nguyên nhân thì như trên đã phân tích, chả phải là mới.
Bắc Hà