Từ nhiều năm trước, Hà Nội đã nhiều lần ra quân, với quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè, nhưng hiệu quả thu được hết sức khiêm tốn. Đáng lo ngại, vào dịp cận Tết Giáp Thìn, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán hàng hóa, kinh doanh ăn uống, trông giữ phương tiện… đang tái diễn trở lại ở nhiều tuyến phố của Thủ đô.
Phải thấy rằng, quản lý vỉa hè sao cho hiệu quả là vấn đề không đơn giản. Bởi vỉa hè không chỉ có vai trò quan trọng trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cảnh quan môi trường, mà còn gắn liền với cuộc sống mưu sinh của nhiều gia đình, nhiều thân phận con người.
Thường chỉ một thời gian ngắn sau mỗi chiến dịch ra quân rầm rộ, vỉa hè Hà Nội đã nhanh chóng bị chiếm dụng trở lại. Số lượng các tuyến phố vỉa hè thực sự thông thoáng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ, việc phân cấp cho quận, huyện quản lý khiến vấn đề quản lý vỉa hè trở nên phức tạp, thậm chí phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm… Thiếu thống nhất, “mạnh ai nấy làm” (mỗi địa bàn, phường, quận có cách làm khác nhau), “bảo kê”, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm là bất cập rõ nhất trong quản lý vỉa hè ở Thủ đô. Quận này ra quân chấn chỉnh, nhưng quận kế bên lại “bình chân như vại” nên đối tượng vi phạm chỉ cần di chuyển vài bước sang địa bàn giáp ranh là mọi việc lại đâu vào đấy. Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng manh mún trong sử dụng vỉa hè, lòng đường.
Hệ quả của việc phân quyền quản lý vỉa hè cho các quận, phường là hầu hết các tuyến phố đều được “chia lô” cho thuê làm nơi buôn bán, trông giữ xe. Để được yên ổn làm ăn, chủ các cửa hàng phải chi một khoản phí cố định cho tổ chức, cá nhân làm công tác quản lý đô thị phường, quận, cảnh sát khu vực… Không ít tuyến phố được gắn biển "tuyến phố văn minh" vỉa hè cũng bị chiếm dụng làm bãi trông xe, buôn bán hàng hóa... Nhiều tuyến phố, vỉa hè đã bị “chuyển đổi công năng”, từ chỗ dành cho người đi bộ, biến thành quán ăn nhậu, nơi trông giữ xe, buôn bán hàng hóa... Thậm chí, có những tuyến phố toàn bộ vỉa hè đã biến thành khu ăn nhậu từ sáng tới khuya, gây mất trật tự an ninh, đời sống của người dân bị ảnh hưởng.
Trước đây, công tác quản lý vỉa hè được thành phố giao Sở Giao thông vận tải đảm nhiệm, nhưng sau đó được phân cấp, bàn giao cho quận, huyện theo địa giới hành chính. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị, cùng với chủ trương cấm mọi hành vi lấn chiếm lòng, vỉa hè để kinh doanh, thành phố dành một phần vỉa hè cho người dân có nơi buôn bán, trông giữ xe. Thành phố cũng xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu với tiêu chí giữ cho vỉa hè thông thoáng và lãnh đạo các quận, huyện ký cam kết thực hiện.
Điều đáng nói là sau hàng loạt chủ trương của thành phố, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn không hề giảm. Việc chiếm dụng vỉa hè, biến công trình công cộng làm nơi sinh lời cho một số người đã gây ảnh hưởng xấu đến cả cộng đồng. Nhiều tuyến đường không còn vỉa hè, người dân phải xuống lòng đường để đi bộ. Nhiều đoạn, tuyến vỉa hè trở thành “lãnh địa” của nhiều đối tượng kinh doanh lấn chiếm trái phép và là nơi “kiếm lợi” của một số cán bộ phường, quận khi thỏa hiệp cho một số đơn vị, cá nhân lấn chiếm trái phép. Mặc dù vậy, vẫn không có ai chịu trách nhiệm hoặc không có cơ chế để quy trách nhiệm, thi hành kỷ luật… đơn vị, cá nhân khi để xảy ra sai phạm trong quản lý trật tự đô thị.
Mặc dù các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của Hà Nội đề ý thức rõ hệ lụy của việc chiếm dụng vỉa hè, nhưng không hiểu sao nó vẫn tồn tại, như thách thức dư luận. Có lẽ, tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền sở tại không quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý là vì nhằm bảo vệ quyền lợi cá nhân, lợi ích nhóm mà thôi. Nếu không có biện pháp kiên quyết, giải quyết được triệt để vấn đề này, thì vỉa hè Hà Nội vẫn tiếp tục là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Nhiều chuyên gia quản lý giao thông đô thị cho rằng, hạ tầng giao thông ở Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, đòi hỏi việc quản lý vỉa hè cần có một chính sách chung, một quy hoạch tổng thể, thống nhất. Đây là điều kiện cơ bản và hết sức cần thiết, bởi nhiều năm qua, khi được giao quản lý vỉa hè và lòng đường, nhiều quận, huyện đã không làm tròn trách nhiệm.
Chính vì vậy, cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vỉa hè theo đúng công năng, thiết kế, cần quy rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân để xảy ra sai phạm trong khai thác, sử dụng vỉa hè. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền, các ngành chức năng của thành phố sớm có sự điều chỉnh phù hợp, khắc phục những bất cập hiện nay.