Nhiều năm trở lại đây, dù cơ sở hạ tầng giao thông ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, nhất là vào các ngày nghỉ lễ, Tết. Cứ trước và sau mỗi dịp nghỉ lễ, lại không thể cầm lòng khi liên tiếp phải đón nhận tin dữ về số người chết vì tai nạn giao thông, các bến xe luôn trong tình trạng quá tải, lái xe nhồi nhét khách, nhiều tuyến đường cửa ngõ ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… lại rơi vào tình trạng ùn tắc, quá tải.
Nguyên nhân của sự ùn tắc vào dịp nghỉ lễ, Tết là do lượng người đổ dồn về thành phố cùng một thời điểm, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong khi đó, tình trạng "xe dù", "bến cóc", xe trá hình, chạy sai hành trình vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Đáng lo ngại, tình trạng ùn tắc thường mang tính dây chuyền. Chỉ cần một điểm ùn tắc có thể làm nhiều tuyến đường bị tê liệt, gây ùn ứ kéo dài.
Trước hết, phải nói về ý thức của người dân trong việc tham gia giao thông ở nước ta rất hạn chế. Với mật độ xe lưu thông dày đặc vào dịp nghỉ lễ, nhưng người tham gia giao thông lại không tuân thủ nghiêm luật giao thông đường bộ, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược đường, lấn làn, lạng lách, đi xe trên vỉa hè… Tài xế xe khách vì muốn nhanh chóng quay vòng để bắt khách nên phóng nhanh, vượt ẩu, coi thường tính mạng của hành khách và người tham gia giao thông…
Rất nhiều giải pháp được đưa ra như phân luồng giao thông để hạn chế ùn tắc, tăng cường lực lượng thanh kiểm tra ngăn chặn, nhưng xem ra nỗ lực của các ngành chức năng vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả. Không chỉ vào dịp nghỉ lễ, ngày thường cũng vậy, nhất là vào giờ cao điểm, nhiều tuyến phố của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng trong tình cảnh tắc nghẽn, xe không còn đường chạy. Sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cá nhân, những bất cập trong năng lực quản lý điều hành giao thông, tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi quy hoạch đô thị phân tán… là những nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc tại hai đô thị lớn nhất cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp, mà nếu chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu, thì nguy cơ của ùn tắc sẽ còn kéo dài.
Lý giải thực tế còn nhiều tuyến đường, thậm chí là những tuyến đường mới tại Hà Nội đã xảy ra tình trạng ùn tắc, có ý kiến cho rằng, các thành phố phát triển đều có quy hoạch tốt và họ bám theo quy hoạch để xây dựng, phát triển, nhưng Hà Nội lại đang quản lý đô thị và thực hiện quy hoạch theo kiểu “thả phanh”. Tình trạng ùn tắc những ngày qua cho thấy rõ trình độ quản lý và thực hiện quy hoạch tại các đô thị lớn rất hạn chế, đặc biệt là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vài ba năm trở lại đây, ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các khu đô thị, trung tâm thương mại cao tầng vẫn mọc lên tại các nút giao trọng điểm. Điều này khiến nhiều tuyến đường quá tải, tình trạng ùn tắc vào dịp nghỉ lễ, Tết không những không được cải thiện, mà lại càng trầm trọng hơn.
Cũng còn nguyên nhân khác, đơn cử ở Thủ đô, do thiếu điểm đỗ xe, nên phải ngăn đường để làm chỗ đỗ ô tô, làm giảm diện tích lưu thông của phương tiện. Bên cạnh đó, rất nhiều tuyến đường tổ chức giao thông chưa tốt, đã gây không ít khó khăn cho các phương tiện lưu thông. Không thể phủ nhận, việc gia tăng phương tiện cá nhân cũng là nguyên nhân gây ra ùn tắc. Tuy nhiên, muốn giảm phương tiện cá nhân thì phải có phương tiện công cộng thay thế nhằm đáp ứng việc đi lại của người dân. Tin rằng, không ai muốn sử dụng phương tiện cá nhân nếu phương tiện giao thông công cộng thực sự tiện lợi.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia đô thị phân tích, tình trạng ùn tắc chủ yếu là do phương tiện giao thông cá nhân và lượng người nhập cư tăng nhanh, khiến hạ tầng quá tải. Mỗi năm, thành phố tăng thêm 200.000 - 300.000 người nhập cư, tương đương dân số của một phường. Hơn 10 triệu dân sống tập trung chủ yếu ở 10 quận nội thành, bởi vậy vào giờ cao điểm, các trục đường chính liên tục tái diễn tình trạng ùn tắc, khiến tình trạng giao thông trở nên rối loạn.
Vậy tới khi nào mới giải quyết được triệt để tình trạng ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn vào mỗi dịp nghỉ lễ. Một câu hỏi thật không dễ trả lời.