Cho đến 12 giờ trưa 2/6/2021, Việt Nam đã có tổng cộng 6.166 ca mắc COVID-19 ghi nhận trong nước và 1.509 ca nhập cảnh. Chỉ riêng số ca mắc mới trong đợt dịch bùng phát thứ 4 tính từ ngày 27/4 đến nay đã là 4.596 ca, một con số cao hơn nhiều so với tổng số ca mắc của cả 3 đợt dịch trước cộng lại. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đánh giá, đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với chủng từ Anh và Ấn Độ) nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước.
Phát huy kinh nghiệm chống dịch thành công từ 3 đợt dịch trước, chúng ta vẫn tiếp tục phương thức “thần tốc” truy vết, khoanh vùng cách ly để chặn chuỗi lây nhiễm. Năng lực xét nghiệm cũng được tăng cường để đẩy nhanh tốc độ. Trong điều kiện khan hiếm nguồn cung vaccine, hơn 1,1 triệu người là những cán bộ trên tuyến đầu chống dịch cũng đã được tiêm vaccine để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Xác định cuộc chiến lâu dài, Việt Nam cũng đã chủ động nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm 3 loại vaccine phòng COVID-19 gồm vaccine của công ty Nanogen (Nano Covax), vaccine IVAC (Covivac) và vaccine của Vabiotech. Bộ Y tế được giao chỉ tiêu phải đảm bảo cho 70% dân số được tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng, tương ứng với nhu cầu 150 triệu liều. Hiện nay, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đang rất tích cực đàm phán, tìm kiếm nguồn vaccine trong bối cảnh cung không đủ cầu trên toàn thế giới. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, Bộ luôn khuyến khích tất cả các địa phương, các doanh nghiệp có điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn vaccine đều có thể nhập khẩu.
Hiện nước ta có 36 đơn vị có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vaccine. Các đơn vị có điều kiện tiếp cận nguồn cung vaccine hoàn toàn có thể trực tiếp làm việc với Bộ Y tế hoặc với 1 trong số 36 đơn vị này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cảnh báo tình trạng “lừa đảo vaccine” khi nhiều tổ chức, cá nhân tự giới thiệu là đại diện được ủy quyền của các nhà sản xuất vaccine để chào bán vaccine nhưng khi Bộ Y tế liên hệ thì các nhà sản xuất vaccine đều khẳng định là không đúng sự thật.
Có thể thấy là chúng ta vẫn đang huy động tổng lực để triển khai các biện pháp thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch COIVD-19 vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Thậm chí, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tinh thần “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất”. Thủ tướng cũng chỉ đạo phải tăng cường áp dụng công nghệ vào công tác chống dịch. Quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 cũng là một minh chứng về việc huy động nguồn lực của xã hội để “chống dịch như chống giặc”…
Vậy nên những thông tin dưới danh nghĩa “hiến kế” chống dịch, so sánh với nước này nước kia về tiêm chủng vaccine, về ứng dụng công nghệ… nhưng thực chất phủ nhận nỗ lực và kết quả chống dịch của cả hệ thống chính trị ở nước ta trong thời gian qua là hết sức phiến diện. Dịch COVID-19 bắt nguồn từ một chủng virus hoàn toàn mới, mức độ nguy hiểm và tác động của nó chưa từng có tiền lệ. Bản thân các nước phát triển giàu có với hệ thống y tế hiện đại cũng đã bị “vỡ trận” khi không có chiến lược ngăn chặn phù hợp. Trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng để mở cửa nền kinh tế như hiện nay thì ở những nước này cũng đã có hàng chục triệu người nhiễm và hàng trăm ngàn người tử vong, tạo nên khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng.
Việt Nam với thành công trong ngăn chặn 3 đợt dịch trước và tăng trưởng kinh tế đạt 2,91% trong năm 2020, cao nhất khu vực, được chính báo chí quốc tế ca ngợi là hình mẫu chống dịch COVID-19. Nhưng ngay cả khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng nhấn mạnh: Chúng ta mới chỉ thắng từng trận đánh mà cả cuộc chiến vẫn còn phía trước. Trước khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo đến nhân dân về tâm lý chủ quan, lơ là các biện pháp phòng chống.
Việc điều chỉnh, rút kinh nghiệm để khắc phục những hạn chế trong phòng chống dịch COVID-19 cũng đã được thực hiện nghiêm túc. Chúng ta có thể thấy việc khoanh vùng cách ly đã trúng trọng tâm, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Ngay cả việc công bố thông tin cũng đã được thay đổi để vừa đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch nhưng cũng đồng thời bảo vệ nhân thân người bệnh. Ứng dụng khai báo y tế trực tuyến, ứng dụng truy vết Bluezone được khuyến cáo sử dụng nhiều hơn…
Trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các nước để phòng chống dịch hiệu quả là cần thiết, nhưng vận dụng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện trong nước mới là quan trọng. Bởi vậy, chúng ta trân trọng những đóng góp mang tính xây dựng nhưng cũng cần phải tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc giả danh khoa học.