Gần 1 năm qua, COVID-19 đã cho thấy rõ sự nguy hiểm và khó lường của nó, COVID-19 phá vỡ mọi qui luật thông thường về dịch bệnh. Nhiều nước mới vừa tuyên bố khống chế thành công đại dịch, nếu chủ quan chút thôi, thì sẽ lại rơi vào một vòng xoáy mới, một làn sóng mới thậm chí thiệt hại hơn nhiều lần. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã bị COVID-19 tấn công tới 2-3 lần.
Tháng 3-4/2020, châu Âu là một “lò lửa COVID-19” thật sự khi số ca mắc bệnh tăng vọt mỗi ngày và trở thành khu vực đầu tiên của thế giới ghi nhân con số 1 triệu bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Hơn 6 tháng sau, bóng ma COVID-19 quay lại châu Âu và Cựu lục địa một lần nữa trở thành tâm dịch thế giới. Trong làn sóng dịch mới hiện nay, COVID-19 tấn công trên diện rộng hơn với số ca mắc mới mỗi ngày liên tiếp xô đổ các kỷ lục. Nhiều nước châu Âu – từ Nga, Ba Lan cho tới Anh, Pháp, Đức hay Italy - đang ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao nhất từ trước tới nay.
Tình hình diễn biến xấu và khó lường đã khiến hàng loạt nước siết chặt các biện pháp phòng dịch. Ngày 29/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định tái phong tỏa toàn quốc từ 30/10 đến 1/12 để ứng phó với đại dịch. Cùng ngày, Thủ tướng Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức một lần nữa nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế sự gia tăng ở mức đáng lo ngại của dịch bệnh. Tại “điểm nóng” một thời Italy, nhà chức trách cũng đã cân nhắc đóng cửa thành phố Milan và Napoli vì lo ngại dịch bệnh bùng phát ngoài tầm kiểm soát.
Diễn biến đáng lo ngại tương tự cũng đang xảy ra ở Đông Nam Á. Malaysia và Thái Lan từng khống chế rất thành công dịch COVID-19 trong làn sóng thứ nhất, thì nay một lần nữa đau đầu với đợt sóng dịch thứ hai. Ngày 24/10, Malaysia lần đầu tiên ghi nhận trên 1.200 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong một ngày tăng ở mức bốn con số. Nhà chức trách Malaysia đã phải kéo dài thêm 2 tuần lệnh phong tỏa một phần thủ đô Kuala Lumpur và bang Selangor. Thái Lan cũng vậy, Nội các nước này mới đây đã quyết định gia hạn sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đến hết tháng 11 và đây là lần thứ 7 sắc lệnh được gia hạn để đối phó với COVID-19.
Ngày 28/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các quốc gia trên toàn cầu đã báo cáo hơn 2 triệu trường hợp nhiễm mới COVID-19 được xác nhận trong chỉ 1 tuần qua - thời gian ngắn nhất từ trước đến nay. Điều đó cho thấy sự gia tăng theo cấp số nhân kể từ khi đại dịch bắt đầu. Nhiều quốc gia từng chống dịch hiệu quả thì nay đang lần lượt ghi nhận số ca mắc mới tăng vọt trở lại.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia thành công khi đương đầu với hai đợt dịch COVID-19 kể từ đầu năm tới nay. Bạn bè và dư luận quốc tế đánh giá Việt Nam là một điểm sáng trong cuộc chiến chống COVID-19. Tạp chí Borgen (thuộc Dự án Borgen - một trong những tổ chức phi chính phủ hàng đầu về chống đói nghèo của Mỹ) vừa có bài viết cho rằng thành quả mà Việt Nam đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19 tới thời điểm này là nhờ chính phủ phản ứng kịp thời, người dân đoàn kết-ủng hộ, cũng như nhờ sớm đưa ra chiến lược xét nghiệm cho phép truy vết các ca bệnh. Đó là đánh giá công tâm và xứng đáng.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường. Việc chủ quan, mất cảnh giác, lơ là các biện pháp phòng chống dịch sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường. Trên thực tế, nguy cơ bùng phát dịch trở lại là rất cao và hiện hữu, do nguồn bệnh từ bên ngoài có thể tấn công vào trong nước bất cứ lúc nào. Trong bối cảnh, các nước khu vực và thế giới đang chao đảo với làn sóng dịch COVID-19 mới, rủi ro sẽ tăng lên cho Việt Nam khi số lượng người nhập cảnh tăng lên. Nguy cơ dịch bệnh thâm nhập và tấn công từ bên ngoài vào trong nước là không thể loại trừ.
Nguy cơ dịch bệnh COVID-19 vẫn luôn thường trực, nhất là trong bối cảnh mùa Đông đang tới gần và dịch bệnh đang bùng phát trở lại trên thế giới. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 ngày 19/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các ngành, các cấp, mọi người dân không được chủ quan trong mọi trường hợp, phải nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh Việt Nam. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc bệnh COVID-19 mới trong cộng đồng, trong đó có phương án thần tốc thực hiện việc khoanh vùng, truy vết khi xuất hiện trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn.
Thời điểm này, Việt Nam đã thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế, sản xuất-kinh doanh và đưa cuộc sống trở lại nhịp sống thường nhật. Tuy nhiên, hiện nay, tâm lý chủ quan của một bộ phận dân chúng là có thật. Việc một số người dân không đeo khẩu trang ở nơi công cộng là có thật. Sự chủ quan đó hết sức nguy hiểm. Trước thực trạng này, một số bộ ngành, địa phương đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Ngày 24/10, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản hoả tốc gửi Tổng cục Đường bộ Viêt Nam, các Cục Hàng không Việt Nam Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Y tế Giao thông Vận tải, các Sở Giao thông Vận tải… yêu cầu đôn đốc, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang tại các cảng hàng không, bến tàu, bến xe, nhà ga và trên mọi phương tiện giao thông công cộng.
Đối mặt với “giặc COVID-19”, có lẽ trong sâu thẳm, không một người Việt Nam nào muốn “ra trận” một lần nữa. Để làm được điều đó, ý thức của mỗi công dân đóng vai trò hết sức quan trọng, mà trước hết là thể hiện qua việc ủng hộ và tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.