COVID-19 tại ASEAN hết 29/10: Toàn khối trên 22.390 ca tử vong; Malaysia vượt 30.000 ca mắc

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 29/10, 6 quốc gia ASEAN ghi nhận 5.990 ca mắc COVID-19 và 122 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 923.571 ca, trong đó 22.391 người tử vong. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 20/10. Ảnh: THX/TTXVN

Đứng đầu về số ca mắc trong ngày 29/10 vẫn là Indonesia với 3.565 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 404.048 ca. Indonesia cũng ghi nhận số ca tử vong trong ngày này cao nhất ASEAN với 89 ca, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 13.701. Như vậy, Indonesia là nước có ca mắc và tử vong cao nhất ASEAN.

Virus gây bệnh COVID-19 đã lan tới toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia. Đặc biệt, trong 24 giờ qua, thủ đô Jakarta ghi nhận tới 731 ca mắc mới, cao nhất nước. Tiếp đó là Tây Java với 459 ca, Trung Java với 3 ca, Tây Sumatra với 335 ca và Đông Java với 2 ca.

Ba tỉnh không ghi nhận ca mắc mới nào trong ngày 29/10 là Tây Sulawesi, Gorontalo và Bắc Maluku.

Trước đó, Indonesia đã công bố hệ thống đăng ký thị thực trực tuyến cho khách du lịch nước ngoài trong mùa dịch nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia ngày 25/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, khách du lịch sẽ chỉ cần nộp đơn xin cấp visa và điền thông tin cần thiết trên trang web www.visa-online.imigrasi.go.id và đợi phản hồi qua email.

Bộ Luật pháp và Nhân quyền Indonesia khẳng định hệ thống mới rất quan trọng, chuẩn bị cho tiến trình mở cửa cho khách du lịch nước ngoài đến Indonesia trong thời gian tới.

Quy trình đăng ký visa mới này được cho là “nhanh hơn, đơn giản hơn và minh bạch hơn”, phù hợp với chính sách của chính phủ về khôi phục kinh tế thông qua đầu tư và phát triển du lịch giai đoạn hậu COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Đứng thứ hai về ca mắc COVID-19 trong ngày 29/10 là Philippines với 1.761 ca, nâng tổng số ca mắc lên 376.935. Philippines cũng ghi nhận 33 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 7.147. Philippines là vùng dịch COVID-19 lớn thứ hai ASEAN.

Theo Bộ Y tế Philippines, trong tổng số ca bệnh, có 39.940 ca đang được điều trị, trong đó 83,3% là các ca có triệu chứng nhẹ; 10,9% ca không có triệu chứng, 3,7% ca nghiêm trọng và 2,1% ca nguy kịch.

Khu vực đứng đầu Philippines về số ca mắc mới ngày 29/10 là thành phố Quezon với 85 ca, tiếp đó là Rizal với 74 ca, thành phố Caloocan với 73 ca, thành phố Davao với 70 ca và Laguna với 69 ca.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Yangon, Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN

Myanmar, quốc gia thường ghi nhận trên 1.000 ca mắc hàng ngày trong những ngày gần đây, chưa công bố số liệu ngày 29/10. Dịch bệnh tại Myanmar đang ngày càng nghiêm trọng khi nhiều ngày liền có cả số ca mắc và tử vong tăng nhanh. Ngày 28/10, Myanmar ghi nhận 1.406 ca bệnh mới và 25 người tử vong vì virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Putrajaya, Malaysia ngày 19/10. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình tại Malaysia cũng có chiều hướng xấu đi trong những ngày gần đây. Ngày 29/10, nước này ghi nhận 649 ca mắc mới, không có ca tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc mới ở nước này đã vượt mốc 30.000 ca, trong đó 246 người chết.

Trong số các ca mắc mới ngày 29/10, có tới 642 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 7 ca nhập khẩu. Nơi có nhiều ca mắc mới nhất vẫn là Sabah với 352 ca.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 25/9. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Singapore Thái Lan đều ghi nhận số ca mắc COVID-19 không đáng kể, lần lượt là 7 và 4 ca.

Khi dịch đã gần như được khống chế hoàn toàn, Singapore đã mở cửa biên giới với Trung Quốc và bang Victoria (Australia) sau khi mở cửa với Brunei, New Zealand, Việt Nam và Australia (trừ bang Victoria).

Theo đó, bắt đầu từ ngày 6/11 tới, Singapore sẽ cho phép khách du lịch và tất cả những hành khách khác từ Trung Quốc đại lục và bang Victoria của Australia có thể nhập cảnh mà không cần phải cách ly.

Những người nhập cảnh vào Singapore từ Trung Quốc đại lục và bang Victoria sẽ phải làm xét nghiệm PCR (xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase) đối với virus SARS-CoV-2 ngay khi nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, họ có thể tiếp tục các hoạt động của mình mà không cần phải thực hiện cách ly tại nơi ở. Quy định trên cũng áp dụng tương tự đối với công dân Singapore, thường trú nhân Singapore và người có thẻ dài hạn trở về từ 2 khu vực này. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 25/9. Ảnh: THX/TTXVN

Trong thông báo ngày 29/10, Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore (CAAS) cho biết đã bổ sung Trung Quốc đại lục và bang Victoria (Australia) vào danh sách những khu vực được nhập cảnh vào Singapore mà không cần phải cách ly, khi cho rằng 2 khu vực này có hệ thống giám sát sức khỏe cộng đồng toàn diện và đã kiểm soát thành công sự lây lan của dịch COVID-19.

Thông báo của CAAS nhận định rằng rủi ro lây lan virus SARS-CoV-2 từ những người đến từ 2 khu vực này là rất thấp do Trung Quốc có tỷ lệ lây nhiễm trong nước là 0,00009/100.000 người, trong khi bang Victoria có tỷ lệ lây nhiễm là 0,099/100.000 người. 

Những người tại 2 khu vực trên muốn vào Singapore có thể đăng ký xin cấp thẻ đi máy bay từ trưa 30/10 để nhập cảnh từ ngày 6/11, tuy nhiên họ phải ở tại Trung Quốc hoặc Australia trong 14 ngày liên tục trước khi nhập cảnh vào Singapore. 

Tính đến trưa 29/10, CAAS đã chấp thuận 1.375 đơn xin nhập cảnh vào Singapore của những người đến từ Brunei, New Zealand, Việt Nam và Australia (ngoại trừ bang Victoria). Không ai trong số những hành khách từ những khu vực trên đến Singapore có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khi xét nghiệm ngay lúc nhập cảnh. 

Hành khách Trung Quốc đại lục chiếm một phần lớn lưu lượng hành khách đến sân bay Changgi, với 7,3 triệu lượt, chiếm 10,7% tổng lưu lượng hành khách của sân bay này trong năm 2019.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Bộ trưởng Y tế Pháp không loại trừ nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ ba
Bộ trưởng Y tế Pháp không loại trừ nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ ba

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết ông không loại trừ nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ ba xuất hiện trong bối cảnh chính phủ tuyên bố bắt dầu áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN