Nhà hát và sự đồng bộ

Giáo sư Hoàng Thiệu Khang, một người Thầy uyên bác được nhiều thế hệ sinh viên kính trọng, sinh thời, trong những giờ dạy về cái đẹp, Thầy hay nói với chúng tôi rằng, không phải cứ trở thành giáo sư, tiến sĩ thì sẽ biết nghe nhạc giao hưởng, biết thưởng thức nghệ thuật hàn lâm… Bản thân ông, khi được mời dự hòa nhạc cũng vỗ tay không đúng lúc, khiến bao nhiêu cặp mắt nhìn vào.

Sau lần đó, ông phải tự đi học nghe giao hưởng, học từ cách gọi tên các nhạc cụ trong dàn nhạc, học nghe từng loại nhạc cụ, học để hiểu được những thông điệp trong từng giai điệu, tiết tấu… và phải mất một thời gian khá dài, ông mới có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật hàn lâm này. Và cũng từ đó, thời gian nghe nhạc của ông, phần lớn dành cho nhạc giao hưởng.

Nhắc lại câu chuyện này để thấy rằng, cảm thụ nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật có tính hàn lâm đòi hỏi người thưởng thức phải được trang bị những nền tảng cơ bản về các loại hình nghệ thuật đó, chứ không đơn thuần là thưởng thức, cảm nhận bằng bản năng. Và sự hiện diện của một cái nhà hát trong một cộng đồng dân cư nào đó cũng đòi hỏi sự đồng bộ từ thị hiếu nghệ thuật cho đến cảnh quan kiến trúc, hạ tầng, đặc tính văn hóa của cộng đồng dân cư đó…

Lịch sử kiến trúc chỉ ra rằng, nhà hát giống như “quả cherry trên chiếc bánh gato” nó là điểm nhấn, là nét đẹp, là bộ mặt trong một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh. Điều này đòi hỏi cùng với việc xây dựng một nhà hát ở vị trí đắc địa, Thành phố cũng phải nghĩ đến một không gian đô thị hoàn chỉnh, hiện đại chứ không đơn thuần là đáp ứng nhu cầu biểu diễn nghệ thuật hàn lâm.

Ở một góc độ khác, nhà hát là không gian tương tác về nghệ thuật giúp người nghệ sĩ đến được với công chúng của họ. Trong một chừng mực nào đó, người hoạt động nghệ thuật luôn ưu tiên khán giả hơn là không gian biểu diễn. Chính vì vậy, nhà hát được xây dựng lớn, nghệ sĩ được biểu diễn trong không gian nghệ thuật sang trọng không đồng nghĩa với việc đời sống văn hóa được nâng cao hơn trong cộng đồng.

Việt Nam là một quốc gia hiếm hoi trong khu vực có dàn nhạc giao hưởng quốc gia và có những nền tảng rất cơ bản để phát triển các loại hình nghệ thuật hàn lâm này. Việt Nam cũng là quốc gia có những nghệ sĩ được thế giới biết đến. Nhưng trong một thời gian dài, những nền tảng căn bản này vẫn chưa phát triển một cách tương xứng.

Câu chuyện xây dựng nhà hát giao hưởng vũ kịch, tuy vẫn còn khá nhiều tranh luận, nhưng chính là một cơ duyên để Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ngành văn hóa cần có thêm những cơ chế, chính sách để phát triển một cách đồng bộ. Mà ở đó, việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung phải là một phần tất yếu của cả hệ thống giáo dục.

Bên cạnh việc trang bị những kĩ năng, kiến thức để phát triển đất nước, phát triển xã hội, nền giáo dục cần phải làm được một nhiệm vụ quan trọng là nâng cao cả khả năng cảm thụ cái đẹp, trong đó, nghệ thuật hàn lâm là những thành tựu của nhân loại mà mỗi người xứng đáng được thụ hưởng.

Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, khi Thành phố có thể bỏ ra số tiền nghìn tỷ để xây dựng một nhà hát thì cũng phải nghĩ đến việc bỏ ra những số tiền lớn hơn để đầu tư cho các hoạt động nghệ thuật. Đó là việc đào tạo những người nghệ sĩ tài năng, chân chính, đó là môi trường học tập, điều kiện học tập để phát huy những tài năng về nghệ thuật và sự tự do sáng tạo nghệ thuật…

Những phát biểu mới đây của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho thấy, việc quyết định xây dựng nhà hát giao hưởng vũ kịch của TP Hồ Chí Minh là một hạng mục nằm trong những hạng mục đầu tư có tính dài hạn và được quy hoạch từ rất sớm. Đây hoàn toàn không phải là một công trình đầu tư mang tính “ngẫu hứng” sau một phiên họp HĐND như dư luận mấy ngày qua băn khoăn. Khoản đầu tư cho nhà hát cũng không phải là một khoản chi quá lớn so với mức đầu tư của Thành phố đối với việc phát triển hạ tầng, an sinh xã hội cũng như đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Ở bất kì một đô thị văn minh nào, nhu cầu xây dựng nhà hát cũng là một nhu cầu chính đáng. Thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 10 triệu dân thì việc xây dựng một nhà hát có quy mô tương xứng, có thể thay thế được vai trò của một nhà hát được xây dựng từ thời Pháp cũng là một yêu cầu chính đáng. Vấn đề còn lại chính là sự đầu tư, phát triển một cách đồng bộ để khi nhà hát giao hưởng vũ kịch được thành hình sẽ phát huy được giá trị của nó chứ không phải là một công trình nghìn tỷ nhưng không phát huy được tác dụng.

Lê Hiền
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN