Nhân viên không lưu ngủ gật – thức tỉnh cả hệ thống

Mấy ngày qua, dư luận cả nước rất quan tâm đến thông tin: kiểm soát viên không lưu thuộc Đài kiểm soát không lưu sân bay Cát Bi, Hải Phòng, trong ca trực chính đã ngủ quên từ 21 giờ 40 phút đến 23 giờ 15 phút và không duy trì liên tục canh nghe trên các kênh liên lạc làm cho hoạt động điều hành bay bị gián đoạn suốt hơn 30 phút đồng hồ.

Hậu quả là 2 chuyến bay VJ921 và VJ292 thiết lập tổng cộng 39 lần liên lạc nhưng kiểm soát viên không trả lời khiến cho 2 chuyến bay VJ921 cất cánh từ Hải Phòng đi Seoul (Hàn Quốc) và chuyến bay VJ 292 từ TP.HCM về Hải Phòng bị trễ do mất liên liên lạc với đài kiểm soát không lưu Cát Bi.


Sự việc đã dấy lên lo ngại đối với an toàn hàng không. Một số ý kiến cho rằng, việc phi công không liên lạc được với đài kiểm soát không lưu sân bay rất khó xảy ra tai nạn vì ngoài đài kiểm soát không lưu Cát Bi, phi công còn nhiều phương án xử lý như liên lạc với Trung tâm kiểm soát đường dài để hạ cánh hoặc chuyển sang sân bay dự phòng. Những ý kiến như vậy đã phần nào trấn an hành khách về hệ số an toàn của hàng không nhưng dù sao việc nhân viên kiểm soát không lưu ngủ gật trong hoạt động tác nghiệp cũng là một thông tin gây sốc với nhiều người, không chỉ là an toàn hàng không mà còn thể hiện lỗi hệ thống, liên quan đến cơ chế kiểm soát hoạt động, thái độ và kỷ luật lao động. Rõ ràng, việc nhân viên kiểm soát không lưu ngủ gật đã làm thức tỉnh cả hệ thống bảo đảm an toàn hàng không của nước ta.


Trước vụ việc nêu trên, cơ quan chủ quản đã có biện pháp xử lý là tước giấy phép kiểm soát viên không lưu ngủ gật, đình chỉ nhiệm vụ của Đài trưởng Đài kiểm soát không lưu Cát Bi , Cục Hàng không Việt Nam đang điều tra việc kiểm soát viên không lưu làm gián đoạn điều hành không lưu với 2 máy bay. Nhưng dư luận đặt vấn đề rằng, ngành hàng không cần phải có cơ chế giám sát, kiểm tra như thế nào để không xảy ra các sự cố tương tự; làm yên lòng hành khách đi máy bay.


Ai cũng biết để một chiếc máy bay bay lên bầu trời là cả một hệ thống chặt chẽ, tinh vi hoạt động và không được để xảy ra sai sót ở bất kỳ khâu nào. Bởi mỗi sai sót dù nhỏ cũng đều là nguy cơ đe dọa an toàn bay; và rất dễ dẫn đến tai nạn hàng không. Có thể nói số phận của hàng ngàn hành khách đi máy bay được “gửi gắm” vào tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc, tài năng và kỷ luật lao động của mỗi nhân viên ở từng khâu, từng việc trong quá trình điều hành hoạt động hàng không.


An toàn hàng không luôn là một tiêu chuẩn tối thượng của ngành hàng không; đó cũng là tiêu chuẩn của những thương hiệu. Việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu là yêu cầu đối với mỗi nhân viên hàng không, được thể hiện bằng tinh thần trách nhiệm của họ. Việc nhân viên kiểm soát không lưu ngủ gật gây gián đoạn liên lạc giữa phi công và đài kiểm soát không lưu đã ảnh hưởng không tốt đến một thương hiệu, gây hoài nghi trong lòng khách hàng. 


Vì vậy, với sự cố này, việc kỷ luật những người gây ra sự cố là một việc cần thiết. Nhưng việc cần thiết hơn là ngành hàng không phải đào tạo, tuyển dụng những người có năng lực tốt và phẩm chất tốt; và có cơ chế kiểm tra, giám sát để cho không có nhân viên nào có thể “ngủ gật” trong hoạt động tác nghiệp vì đạo đức nghề nghiệp, vì tinh thần trách nhiệm của mối nhân viên và vì cơ chế hoạt động khoa học, hợp lý của cơ quan quản lý.


Nguyễn Quang Vinh/TTXVN
Ngủ gật trên cao tốc, cả xe và xế lộn tung đường
Ngủ gật trên cao tốc, cả xe và xế lộn tung đường

Trong lúc chạy xe, tài xế nọ phạm sai lầm ngủ gật trên cao tốc. Chỉ một tíc tắc đi về phía xe tải, cả xe và người cùng lăn lộn trên đường cao tốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN