Một người bạn có con đang học lớp 1 không khỏi hoang mang khi biết thông tin hai bộ sách giáo khoa sẽ không cùng bé lên lớp 2. Theo đó, bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” và bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” chỉ tồn tại ở lớp 1, rồi “biến mất”. Ở lớp 2, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hợp nhất bốn bộ sách của họ thành hai bộ, bây giờ chỉ còn: “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”.
Như vậy, sách giáo khoa lớp 2 cho năm học sắp tới được rút xuống còn ba bộ so với năm bộ sách lớp 1, trong đó vẫn có bộ sách “Cánh diều” đã làm chao đảo gần như cả học kỳ đầu của năm học này với nhiều “hạt sạn” ngô nghê. Tương tự như vậy, sách lớp 6 cũng chỉ có ba bộ như trên.
Dễ hiểu được sự lo lắng của phụ huynh học sinh, bởi trong năm học sắp kết thúc, nhiều trường đã lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 từ các bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” để đưa vào chương trình giảng dạy. Ở vào tình thế của họ, bất cứ ai cũng sẽ đặt ra những câu hỏi như: Có phải hai bộ sách này có vấn đề gì chăng? Hay, liệu con em mình có bị hẫng khi lớp 1 học một bộ sách, đến lớp 2 lại theo một bộ khác?
Với nhà trường và giáo viên, rất nhiều ý kiến trên các diễn đàn những ngày gần đây cũng thể hiện sự bất ngờ. Nhiều trường biết thông tin trên báo chí trước khi được thông báo về sự hợp nhất các bộ sách trong năm học sắp tới. Đặc biệt, những trường sử dụng sách lớp 1 của bộ “Cùng học để phát triển năng lực” hay “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” cảm thấy bị động và băn khoăn: Phương pháp dạy học liệu sẽ bị ảnh hưởng bởi sự trộn lẫn sách như vậy? Liệu có đủ thời gian để tập huấn cho giáo viên một cách hiệu quả? Ngoài ra, việc tiếp tục cho học sinh lớp 1 học hai bộ sách nói trên trong các năm tiếp theo cũng được cân nhắc khi tất cả đều đã sớm biết “tuổi thọ” ngắn ngủi của chúng. Khả năng chúng bị “lãng quên” trên giá sách là không loại trừ, và nếu thế thì đây sẽ là sự lãng phí vô cùng lớn.
Ngay cả các tác giả biên soạn sách cũng cảm thấy khó hiểu về sự “biến mất” khá đường đột của hai bộ sách dù chúng đã được thẩm định, đáng tiếc nhất là bao trí tuệ và tâm sức của họ gần như trở về con số 0. Càng tréo ngoe hơn khi trong danh mục sách giáo khoa được phê duyệt, “đứa con đẻ” của họ chỉ được trích dùng một phần trong cuốn sách gộp. Theo một số ý kiến, sách giáo khoa không thể là phép cộng cơ học, mà mỗi bộ sách tuy nằm cùng chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng lại sử dụng ngữ liệu khác nhau và có phương pháp tiếp cận riêng, nếu nhập vào làm một thì chỉ có cách “đập đi xây lại từ đầu”. Cũng vì lẽ đó, một nhóm tác giả biên soạn đã xin rút phần nội dung của họ bị “ép gả” cho bộ sách khác. Thà chẳng có thì thôi.
Quả thật, nhìn nhận một cách khách quan thì việc thay đổi tương đối đột ngột trong năm thứ hai thực hiện chuyển đổi sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã ít nhiều gây ra những xáo trộn, bất tiện. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã nêu ra nhiều lý do, như việc hợp nhất nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả; tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn sách giáo khoa…; tiết giảm tối đa chi phí nhằm có được các bộ sách giáo khoa có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lý về giá thành; hay việc hợp nhất này cũng hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh cũng như việc lựa chọn sách giáo khoa... Tuy nhiên, ở đây cũng cần đặt lại vấn đề: Sự “biến mất” của hai bộ sách gây lãng phí như thế nào về tiền của, bao nhiêu công sức đầu tư nghiên cứu, biên soạn có tính được không?
Chúng ta đều biết, mỗi lần thay đổi sách giáo khoa đều kéo theo nhiều dự án giáo dục, làm khó thầy cô và học sinh, nhất là gây tốn kém hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách nhà nước cũng như mỗi gia đình, mà chưa chắc nội dung mới ưu việt hơn bộ sách cũ. Phải chăng vẫn có sự lúng túng trong hoạch định chương trình sách giáo khoa hay vì một lợi ích nhóm nào đó đã thúc đẩy việc thay sách như “thay áo”? Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và đào tạo trong vấn đề này như thế nào?
Tất nhiên, trong trường hợp rà soát thấy sự bất hợp lý từ năm bộ sách lớp 1 thì việc điều chỉnh, hợp nhất để tạo nên bộ sách tốt hơn cũng là điều nên làm và nên được ủng hộ. Thấy bất hợp lý mà vẫn “nhắm mắt đưa chân” mới thật sự nguy hiểm hơn. Ở đây, thậm chí như không ít ý kiến của dư luận, nên chăng các nhà quản lý giáo dục cũng cần đánh giá một cách nghiêm túc về việc trở lại với mô hình một bộ sách giáo khoa duy nhất cho cả nước vốn đã có nhiều hiệu quả? “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, khi đó mọi nguồn lực đều hội tụ và sẽ tạo nên sự đồng bộ, thống nhất của bộ sách, vừa tránh được sự lãng phí công sức và tiền bạc.
Đừng nghĩ đó là sự giật lùi, mà nên hiểu theo hướng kế thừa, phát huy những giá trị đã được khẳng định để áp dụng vào đổi mới giáo dục cho phù hợp với xu thế của sự phát triển. Sự kế thừa và phát huy đó không phải là sự ngẫu hứng tùy tiện, mà cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và có lộ trình thực hiện bài bản. Bởi suy cho cùng, giáo dục là cả một quá trình bền bỉ, không có chỗ cho sự vội vã theo kiểu “ăn xổi”. Tư duy làm sách giáo khoa cho trẻ cũng vậy, đừng để “nước đến chân mới nhảy” hoặc vướng víu vào những lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, mà ở đó cần lắm cái tâm “trăm năm trồng người”.