Tôi cũng có chút duyên với Đà Nẵng khi 42 năm trước, với tư cách là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, cùng các đồng nghiệp theo đoàn quân giải phóng có mặt ở đây và là người viết tường thuật đầu tiên "Đà Nẵng ngày đầu giải phóng".
Năm 2010, tôi vào Đà Nẵng làm việc. Trước đó, báo Đà Nẵng đăng lại bài tường thuật của tôi nhân kỷ niệm 35 năm. Khi trao biểu trưng kỷ niệm về Đà Nẵng cho tôi, Nguyễn Bá Thanh đã lắng nghe tôi chia sẻ kỷ niệm về những ngày đầu giải phóng thành phố.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh trao biểu trưng về Đà Nẵng cho nhà báo Trần Mai Hưởng.
|
Hôm ấy, ông tiếp chúng tôi tại Văn phòng Thành ủy và sau đó, mời cơm thân mật, bữa cơm mà anh em cơ quan đại diện nói ít khi Bí thư ngồi từ chiều đến tối muộn như thế.
Rất thân tình, cởi mở, ông kể lại cuộc đời mình từ khi còn đi học phổ thông đã tham gia hoạt động cách mạng, chuyện trốn thoát đợt truy lùng, sau ra Bắc học; rồi những ngày trở lại quê hương giải phóng, từ cán bộ cơ sở qua nhiều thử thách khó khăn, đảm nhận nhiều chức vụ trước khi trở thành người đứng đầu thành phố. Ông cũng nói nhiều những dự định dành cho tương lai.
Qua câu chuyện, tôi cảm nhận được, dù làm giám đốc nông trường, giám đốc sở, chủ tịch hay bí thư, ông là người luôn đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, sáng tạo. Một "phong cách Nguyễn Bá Thanh" rất đặc sắc.
Các phóng viên chiến trường TTXVN trên đường vào Đà Nẵng giải phóng 29/3/1975 (từ trái sang: Trần Mai Hưởng, Hoàng Thiểm, Ngọc Đản). Ảnh: Lâm Hồng Long |
Dưới sự lãnh đạo của ông, Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc và có sức lan tỏa với nhiều nơi trong cả nước. Sự yêu quý người dân Đà Nẵng dành cho ông là phần thưởng vô giá với một người lãnh đạo.
Ông rời Đà Nẵng ra Trung ương rồi đột ngột ra đi khi đang gánh vác trọng trách mới đã để lại nhiều thương tiếc cho đông đảo mọi người... Nhưng tôi nghĩ, những gì Nguyễn Bá Thanh đã làm được cho Đà Nẵng cũng đã xứng đáng là sự nghiệp của một đời người!
Xin có ít dòng tưởng nhớ ông, một người Đà Nẵng tôi yêu quý nhân kỷ niệm ngày giải phóng thành phố!