Ông hay nói, Thủ Thiêm là vùng đất cách mạng, tôi và nhiều cán bộ lãnh đạo của Thành phố hiện nay từng hoạt động và được bà con ở vùng đất này cưu mang, nuôi giấu… mới còn sống được đến ngày nay. Vậy nên, nếu Thành phố có chủ trương phát triển vùng đất bùn lầy, lau lách xưa kia thành một đô thị hiện đại thì người đầu tiên được thụ hưởng phải chính là những người dân từng sinh sống, bám trụ trên mảnh đất này, những người từng cưu mang các thế hệ lãnh đạo của Thành phố hiện nay… Chính quyền không thể vì lợi nhuận trước mắt, không thể đứng về phía doanh nghiệp mà khiến người dân phải rời khỏi mảnh đất của họ, lâm vào cảnh mất nhà mất của, mất phương kế sinh nhai… Đó không chỉ chính sách xã hội mà còn là đạo lý của người Việt.
Tiếc là, cái đạo lý tưởng chừng như ai cũng biết ấy lại không thể hiện trong cách làm của chính quyền Thành phố đối với người dân Thủ Thiêm, khiến cho hơn chục năm nay, người dân Thủ Thiêm vẫn phải chịu bao nhiêu uất ức, thiệt thòi. Những “làng Thủ Thiêm” ở Hà Nội do người dân Thủ Thiêm tụ lại sống tạm bợ để mang đơn đi khiếu kiện hàng chục năm qua, những giọt nước mắt trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây… phần nào đã nói lên nổi khổ của những người nghèo, chân chất bị đẩy vào tình thế phải đấu tranh.
Nhớ những ngày đầu Thủ Thiêm được lệnh “giải tỏa trắng” khoảng hơn chục năm trước. Khi ấy, dù chính sách đền bù chưa thỏa đáng, việc bố trí tái định cư chưa chu đáo, người dân chưa tìm được kế sinh nhai vẫn phải bồng bế nhau tìm nơi “lánh nạn”. Nhà cửa bị đập tan hoang, vườn tược bị đào xới lên để đấy… Đáng buồn hơn là mãi đến chục năm sau, cảnh tượng tang hoang ấy có nơi vẫn còn nguyên chưa thay đổi, nhiều nơi bị giải tỏa trắng cả chục năm nhưng dự án thì vẫn chưa chạm tới.
Khoảng thời gian ấy, nhiều gia đình không tìm được nơi ở, không chấp nhận chính sách đền bù bất hợp lý với số tiền không mua được nơi tái định cư cũng như không thể tìm mua lại được nơi ở mới… họ đành phải chờ đến đêm để dựng lại mấy tấm bạt xanh trên chính ngôi nhà của mình để ở tạm. Việc giải tỏa, cưỡng chế và cố gắng bám trụ mảnh đất của mình giữa dân và chính quyền, doanh nghiệp cứ giằng co dai dẳng kéo dài nhiều năm mà vẫn không có cách giải quyết thỏa đáng… Người dân thì mất hết phương kế làm ăn, chỉ còn biết mang đơn đi gõ khắp các cánh cửa để tìm lại sự công bằng cho mình.
Những vấn đề mà cử tri Thủ Thiêm đặt ra trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây cho thấy những bất cập trong dự án này vẫn đang tồn tại đến nay và chưa được giải quyết một cách thỏa đáng. Nhiều cử tri đã rơi nước mắt khi cho biết, họ đang sinh sống yên ổn, bỗng dưng phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ phương kế sinh nhai để nhận lấy một khoản tiền đền bù nhưng không đủ để mua lại một suất tái định cư với “giá ưu đãi”. Mảnh đất họ đang sống bị giải tỏa, với khoản tiền đền bù 18 triệu/m2, ngay sau đó doanh nghiệp bán lại với giá 350 triệu/m2 mà chính họ cũng không có “suất” để mua lại. Nhiều hộ gia đình nhà cửa bị giải tỏa, cưỡng chế xong mà họ vẫn chưa thực sự biết gia đình mình có nằm trong diện giải tỏa của dự án Thủ Thiêm hay không? Không chỉ vậy, thông tin gần đây còn cho thấy ngoài việc chi trả đền bù cho người dân với giá rẻ mạt, doanh nghiệp còn kê giá đầu tư hạ tầng mà “không một quốc gia nào trên thế giới” có thể hình dung được với mức giá 1000 tỷ đồng/1km đường giao thông...
Không phải đến giờ này câu chuyện Thủ Thiêm mới nóng lên mà từ nhiều năm trước, các cơ quan báo chí cả nước cũng như người dân đã nói rất nhiều, đã thưa gửi khắp nơi… nhưng những bức xúc này của người dân vẫn tồn tại dai dẳng hơn chục năm nay. Bán đảo Thủ Thiêm được ví như một viên ngọc quý của Thành phố. Viên ngọc ấy cần được mài dũa bởi những người thợ có đủ tài năng và đạo đức để mang lại những giá trị thực sự, chứ không phải bởi những bàn tay chỉ giỏi bớt xén…
Những bức xúc của người dân về dự án này đang cần được Chính quyền Thành phố trả lời rõ ràng và giải quyết một cách thỏa đáng. Và cho dù “ông già Thủ Thiêm” giờ không còn nữa, nhưng hy vọng những nỗi niềm đau đáu của ông về Thủ Thiêm sẽ sớm thành hiện thực vì đó cũng chính là quyền lợi là nguyện vọng chính đáng của người dân Thủ Thiêm và là kì vọng của cả xã hội.