Vụ 6 cầu thủ Đồng Nai bán độ bị cơ quan công an bắt hôm 20/7, một lần nữa dấy lên nỗi lo ngại về nhân cách của các cầu thủ trẻ Việt Nam. Họ hành động không phải vì thiếu tiền, mà do thói ăn chơi đua đòi, suy đồi đạo đức. Sau khi vụ bán độ của các cầu thủ Đồng Nai bị phát giác, phần lớn người hâm mộ đều phẫn nộ, đòi loại bỏ vĩnh viễn những “con sâu" làm rầu nền bóng đá nước nhà.
Lịch sử bóng đá Việt Nam đã có quá nhiều những vụ bê bối, rúng động vì bán độ, kể cả cấp câu lạc bộ lẫn đội tuyển quốc gia. Sân cỏ bóng đá Việt Nam hơn chục năm nay chưa bao giờ yên ắng, scandal nối tiếp scandal, dư luận càng thêm ngao ngán về một sân chơi có quá nhiều chuyện tiêu cực. Vụ án bán độ tại SEA Games 23 bị phanh phui được xem là vết nhơ đen tối nhất với bóng đá Việt Nam. Rất nhiều tên tuổi của bóng đá Việt Nam ở thời điểm đó đã đánh mất tương lai vì dính đến cá độ. Chủ mưu Quốc Vượng bị án tù giam 4 năm. Văn Quyến, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Bật Hiếu, Quốc Anh bị phạt từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù treo...
Có rất nhiều bài học xương máu trong quá khứ, nhưng vì đồng tiền, các cầu thủ đã không lấy đó làm bài học và tiếp tục lao vào con đường tội lỗi.
Rất nhiều người đặt câu hỏi: Với mức thu nhập khủng, được đeo đuổi đam mê, có danh vọng, vậy tại sao các cầu thủ lại dễ dàng bán mình như vậy? Theo lãnh đạo câu lạc bộ Đồng Nai, lương của các cầu thủ câu lạc bộ này khoảng 20-25 triệu đồng người/tháng; chưa kể khoản tiền thưởng 400-500 triệu cho mỗi trận thắng, 100-200 triệu đồng cho mỗi trận hòa. Bình quân, mỗi cầu thủ đá chính được ăn chia không dưới 15 triệu đồng/trận. Với khoản lương thưởng như vậy, họ thừa sức sống dư dả. Có lẽ, lối sống thích hưởng thụ xa hoa đã đẩy họ lún sâu vào con đường tội lỗi.
Các cầu thủ Đồng Nai chắc chắn phải đối mặt với án tù và gần như chắc chắn họ sẽ phải chấm dứt sự nghiệp khi đang ở thời đỉnh cao phong độ. Những tiêu cực của các cầu thủ Đồng Nai không dừng lại ở sân chơi V.League, mà còn ở cả sân chơi World Cup. Theo cơ quan điều tra, 6 cầu thủ Đồng Nai trước đó đã tham gia cá độ ở World Cup 2014 và trong số này phần lớn thua độ, nên họ nuôi hy vọng gỡ gạc lại ở sân chơi V.League. Mà cũng không riêng trận gặp Than Quảng Ninh, mà rất nhiều trận đấu của câu lạc bộ Đồng Nai ở V.League bị cơ quan an ninh đặt dấu hỏi.
Những vụ việc vừa nêu, đã cho thấy bóng ma tiêu cực đã trở lại đúng thời điểm bóng đá Việt Nam quyết tâm đổi mới, lấy lại niềm tin ở người hâm mộ. Có cảm giác như bóng đá Việt Nam đang đi vào vết xe đổ của bóng đá Malaysia gần chục năm về trước. Thời điểm đó, Malaysia muốn đầu tư gấp gáp để giành thành tích và họ đã phải trả giá đắt khi nhiều đường dây cá độ bị phanh phui, cả một thế hệ cầu thủ đã phải ra trước vành móng ngựa. Nhưng rồi bóng đá Malaysia đã quay lại, đấu tranh kiên quyết với tiêu cực, sử dụng nhiều cầu thủ nội để có những bước phát triển như thời gian gần đây.
Vấn đề đặt ra cho bóng đá Việt Nam lúc này là phải nghiêm túc làm lại, cần một cuộc giải phẫu bắt đầu bằng việc giáo dục đạo đức cho các cầu thủ trẻ, để cho ra lò một lứa cầu thủ khác, chững chạc hơn về cả chuyên môn lẫn nhận thức, cách ứng xử có văn hóa cả trong và ngoài sân cỏ. Đừng quá chú tâm tới những vấn đề bên lề sân cỏ như bản quyền truyền hình, kêu gọi tài trợ, quảng cáo... mà quên đi bản chất sống còn của bóng đá là vì người hâm mộ. Khi chất lượng giải rỗng tuếch, cổ động viên không đến sân, thử hỏi bóng đá còn gì?
Yến Nhi