Nút “reset” hỏng của Obama

Quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh song phương với người đồng cấp Nga của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đánh dấu một bước thụt lùi nghiêm trọng trong quan hệ chưa bao giờ nồng ấm giữa Nga và Mỹ, nếu không muốn nói là đầy lạnh nhạt kể từ khi ông Putin trở lại Điện Kremlin. Việc Nga cấp phép cư trú tạm thời cho “người lộ tin mật” chỉ là giọt nước tràn ly, là cái cớ cho cả mớ bất đồng Nga - Mỹ cũng như những sức ép mà ông Obama gặp phải khi đương đầu với thái độ mà ông gọi là “chiến tranh lạnh” của ông “trùm KGB”.


Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ với gương mặt đầy chán nản khi gặp nhau bên lề Thượng đỉnh G8 hồi tháng 6.


Năm 2010, trong cuộc gặp với Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev, ông Obama còn đầy hào hứng tuyên bố sẽ “reset” (cài đặt lại) quan hệ hai nước và coi Nga là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại. Nhưng có vẻ như ông đã tính toán có phần lạc quan thái quá bởi những gì xảy ra sau đó cho thấy, với cả Nga và Mỹ, “tâm lý” kiểu Chiến tranh lạnh có thể khó thay đổi hơn so với suy nghĩ chủ quan.


Quan hệ giữa hai cường quốc quân sự nhất nhì thế giới kể từ khi Putin bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba vào tháng 5/2012 tới nay không những không đạt được tiến triển gì, mà còn đi lùi so với thời người tiền nhiệm Medvedev. Sau khi Putin “tái xuất”, Nga bắt đầu cứng rắn hơn trong các hàng loạt vấn đề với Mỹ như cuộc khủng hoảng Syria, Iran, vấn đề không phổ biến hạt nhân. Tất cả dẫn vào một lối đi cụt bởi có quá nhiều khác biệt trong cách tiếp cận để giải quyết bế tắc.


Trong bối cảnh đó, Obama liên tục đứng trước những sức ép mạnh mẽ từ quốc hội, giới vận động hành lang trong nước đòi chống Nga. Sau vụ Snowden, sức ép này càng mạnh mẽ hơn với những tiếng nói đòi tổng thống chấm dứt "mềm dẻo", hủy cuộc gặp tại Moscow, thậm chí còn kiến nghị chuyển Hội nghị G20 sang nước khác. Ông nghị John McCain mới đây cho rằng, nước Mỹ cần làm nhiều hơn là hủy một cuộc gặp, chẳng hạn như mở rộng Luật Magnitsky nhằm trừng phạt Nga về vấn đề nhân quyền hay triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu bất chấp phản ứng từ Moscow.


Khi "cái được" từ cuộc gặp với Putin trong bối cảnh hiện tại là nhỏ, thì cái giá phải trả ở trong nước lại quá lớn. Obama không còn lựa chọn nào khác, ông buộc phải cứu vãn thể diện và xoa dịu phe bảo thủ bằng một quyết định "cảnh cáo" Kremlin. Hủy hội đàm thượng đỉnh là cách nhắc nhở Putin hướng tới một chính sách đối ngoại linh hoạt hơn, quan tâm tới lợi ích và giá trị của Mỹ hơn, và rằng một chính sách mang hơi hướng Chiến tranh Lạnh sẽ phải trả giá.


Quan hệ Mỹ - Nga đã rơi xuống một trong những điểm thấp nhất, tuy nhiên, việc hủy cuộc gặp tại Moscow sẽ không gây ra hậu quả trong dài hạn và không thể là dấu hiệu cho một “cuộc chiến tranh lạnh” mới, bởi hai nước vẫn cần đến nhau trong nhiều vấn đề ràng buộc và hoàn toàn có thể được giải quyết trên cơ sở cân đối hợp lý giữa cái được và cái mất. Cuộc khủng hoảng này có chăng chỉ đẩy mối quan hệ vào một giai đoạn đình trệ, trước khi hai bên có những động thái làm dịu và tiến về phía nhau vì chính lợi ích của mình.


Thu Hằng

Obama ví Putin như ‘cậu học trò buồn tẻ’
Obama ví Putin như ‘cậu học trò buồn tẻ’

Tổng thống Mỹ Barack Obama bác bỏ rằng mối quan hệ giữa ông với người đồng cấp Putin đang rất tệ sau khi cuộc hội đàm song phương bị huỷ, nhưng nhận xét rằng nhà lãnh đạo Nga đôi lúc “như cậu học trò buồn tẻ ở cuối lớp học”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN