Sổ liên lạc điện tử, eNetViet, nhóm chat group, nhóm “Giáo viên và phụ huynh lớp...” trên Facebook, Zalo, Viber cũng thay dần phương thức trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại giữa cô - trò, giáo viên - phụ huynh theo kiểu truyền thống.
Giáo dục thời công nghệ mở ra một thế giới đầy khám phá và ít nhàm chán cho những người thày và học trò của mình.
Tại ngôi trường vùng xa của huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), dù không hiện đại tới mức có màn hình máy chiếu, nhưng thày giáo Toàn Huỳnh Bá Hiếu, dạy Tin học, vẫn không muốn học trò của mình bị “tụt hậu”. Từ chiếc webcam cũ của máy tính để bàn, thày Hiếu đã kết nối qua skype, rồi phóng hình ảnh ra tivi cho cả lớp theo dõi. Nhờ đó, học sinh của thày Hiếu được học tiếng Anh cùng các lớp học ở Philippines, Sri Lanka, Ấn Độ; hay học giáo dục giới tính với giảng viên của trường ĐH Thái Nguyên…
Với học sinh thành phố, việc ứng dụng công nghệ vào việc dạy và học càng “nằm lòng” hơn. Lên lớp, giáo viên chỉ cần mang theo một chiếc máy tính là đủ. Những bài giảng đã được chuyển thành slide, power point… Chỉ một nút nhấn của cô, thế là cả lớp có thể cùng chu du tới mọi phương trời. Lớp học nhờ thế, giản tiện mà lại toàn diện và hoàn thiện hiếm thấy.
Còn với học sinh, các em cũng có thể làm bài trên máy tính ở lớp, ở nhà; gửi mail cho thày cô. Cũng có trường hợp, thày và trò chữa bài, giảng bài cho nhau ngay bằng livestream, hoặc qua video thày quay gửi lại trò; nhanh và tiện, lại hiệu quả.
Việc CNTT “xâm nhập” nền giáo dục đã mang lại những điều thật đáng giá. Khiến cho cách học mòn, học thụ động của học sinh cũng dần mất đi, việc cô thày cứ năm này qua năm khác “khư khư” cuốn giáo án đã cũ mòn gáy cũng không còn nữa. Giờ đây, với các mô hình VNEN, giáo dục khai phóng… cách học, cách dạy cũng phải thay đổi từng ngày, mới từng ngày, cập nhật từng ngày; đồng hành với sự tiến lên từng ngày của công nghệ.
Tròn 10 năm trước, năm học 2008-2009, ngành giáo dục chính thức chỉ đạo triển khai “Năm học Công nghệ thông tin”, với các nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức triển khai việc cung cấp e-mail với tên miền @moet.edu.vn; Triển khai việc cung cấp e-mail cho mỗi học sinh, mỗi giáo viên; Triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục; Khai thác và sử dụng mã nguồn mở trong quản lý và giảng dạy; Triển khai hệ thống họp qua mạng điện thoại và video; Triển khai hội thảo bài giảng điện tử e- Learning...
Liên tục những năm học tiếp theo, chủ đề CNTT cũng không bị “bỏ ngỏ” và đến năm học 2018-2019 này, việc triển khai áp dụng CNTT đã không còn dừng ở mức “đơn sơ” như vậy nữa. Độ “phủ sóng” của Power Point làm giáo án điện tử đã đến với hầu hết các thày cô, kể cả những giáo viên đã ở tuổi 60. Việc soạn bài giảng trên smartphone, nhắc thời khóa biểu giảng dạy trên Google hay kết nối với học trò qua mạng xã hội… cũng không còn là việc gì đáng bỡ ngỡ.
Bởi vậy, với 9 nhóm giải pháp và 5 nhiệm vụ mà ngành giáo dục đặt ra cho năm học 2018 – 2019; có một nhiệm vụ được coi là rất quan trọng, đó là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giáo dục.
Theo đó, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên, tích hợp các hệ thống thông tin quản lý ngành hiện có vào cơ sở dữ liệu ngành. Triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý trong các cơ sở GD-ĐT, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành; tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc); triển khai giải pháp tuyển sinh trực tuyến với các lớp đầu cấp học. Xây dựng và đưa vào sử dụng, khai thác có hiệu quả kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung và đóng góp vào hệ tri thức Việt số hóa quốc gia. Tiếp tục phát động giáo viên tham gia xây dựng bài giảng e-learning và đóng góp vào kho bài giảng e-learning trực tuyến toàn ngành; triển khai các giải pháp học tập kết hợp và học trực tuyến trong giáo dục đại học; triển khai mô hình giáo dục điện tử, lớp học thông minh ở những nơi có điều kiện; khuyến khích các cơ sở giáo dục sử dụng các phần mềm trong dạy học. Tiếp tục nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo CNTT trong giáo dục đại học và phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...
Như chia sẻ của một chuyên gia, nếu như giáo dục từ 1.0 đến 3.0 vẫn quan tâm nhiều hơn đến việc dạy; thì giáo dục 4.0 là một bước nhảy vọt, hướng sự tập trung đến việc học cá nhân hóa triệt để hơn. Thay vì cầm cuốn sách để đọc chép, thì phát bài giảng trên TV, hoặc ngày nay là đưa bài giảng lên Youtube. Đặc biệt giờ đây,với sự ra đời của hàng loạt nội dung học tập số hóa, sinh viên có thể lựa chọn nội dung học tập cho phù hợp với mục tiêu của mình. Các hệ thống học tập số hóa cũng giúp việc đánh giá có tính thích ứng hơn, cung cấp phản hồi về hiệu quả học tập cùng với gợi ý cho các nội dung học tập tiếp theo…
Trong bối cảnh ấy, vai trò người thày cũng biến đổi lớn, từ truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò xúc tác và điều phối, có nghĩa là chuyển sang chức năng hướng dẫn người học. Trong xã hội thông tin, giảng viên phải giúp sinh viên điều chỉnh định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin, phải là nhà giáo dục chuyên nghiệp có đầu óc sáng tạo, biết phê phán, tư duy độc lập, năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ có hiệu quả giữa người học với những gì họ muốn biết, là người cung cấp cách hiểu mới cho người học.
Để đáp ứng được giáo dục 4.0 theo đúng “chất” như vậy, tất nhiên còn là một bước sải dài mà thày và trò của chúng ta phải vươn lên để “tiếp đích”. Nhưng đã là ưu việt, đã là quy luật, thì dù bước sải có dài tới đâu, có gian khó tới đâu, vẫn cứ phải hoàn thành. Để có một nền giáo dục đúng nghĩa là “giáo dục đảm bảo năng lực học tập, sáng tạo, tìm việc làm”.