Ngày 21/12, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng, các nhà khoa học kiểm tra thực tế công trình Hương nghiêm pháp đường (đang bị dư luận lên án) được xây dựng không phép tại Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội). Mục sở thị, các nhà khoa học - đồng thời là thành viên của Hội đồng Di sản quốc gia, đã có chung một cảm giác tiếc nuối, xót xa. Tuy nhiên, đại diện UBND huyện Mỹ Đức lại đề xuất phương án “cho tiếp tục sử dụng”.
Giải trình với đoàn kiểm tra, Ban quản lý Khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, năm 2011, khi nhà chùa xin phép, Ban quản lý đã hướng dẫn nhà chùa làm các thủ tục và được UBND huyện Mỹ Đức đồng ý cho xây dựng công trình. Theo Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì Chùa Hương, đây là công trình phụ trợ, không phải là hạng mục đã xếp hạng, bởi vậy, việc xây dựng Hương nghiêm pháp đường không phải là xâm phạm di tích. Tuy nhiên, Giáo sư Trần Lâm Biền, một thành viên của đoàn kiểm tra cho rằng: Hương nghiêm pháp đường có quy mô lớn, gồm hai tầng và một gác mái được xây dựng không phép ngay vùng bảo vệ cấp 1 của di sản tại Chùa Hương. Công trình này to hơn chùa Thiên Trù, không hài hòa với không gian tôn nghiêm của di tích, làm mất sự hài hòa giữa những khối kiến trúc cũ và mới.
Không còn phải bàn cãi, Chùa Hương không chỉ là danh thắng cấp quốc gia mà tương lai, với những giá trị đặc biệt về cảnh quan, tâm linh, di tích này còn hướng tới danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt và có thể xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, vì thế cần phải có cách ứng xử với di tích cho xứng tầm. Khi được truy vấn về việc làm tùy tiện, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đại diện Ban quản lý Khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho rằng, công trình có thiết kế hẳn hoi (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) và được xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Khi đặt vấn đề, công trình có được cấp phép xây dựng không? Ban quản lý Khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn giải thích: Vị trí xây dựng không thuộc di tích gốc, không nằm trong vùng lõi bảo vệ..., nên không phải xin phép?
Dẫu có vòng vo thế nào, thì việc vi phạm Luật Di sản văn hóa ở Khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn là không thể chối cãi. Cũng cần khẳng định, việc xây dựng trong khuôn viên di tích mà không xin phép là chưa từng có tiền lệ. Lỗi ở đây là của cơ quan chức năng do chưa ý thức rõ trách nhiệm, chưa nhận thức đúng về giá trị của một di tích lịch sử văn hóa, thiếu hướng dẫn, giám sát, nên phó mặc một công việc hệ trọng cho nhà chùa.
Đã có không ít bài học được rút ra từ việc tôn tạo, tu bổ, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa. Nhưng bài học lớn hơn cả là việc thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa. Rõ ràng, cả chính quyền địa phương cũng như cơ quan quản lý di tích, văn hóa đã không làm hết trách nhiệm của mình. Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội kết luận lại sau chuyến kiểm tra: Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, đánh giá cụ thể về mức độ sai phạm của công trình Hương nghiêm pháp đường trong thời gian sớm nhất. Trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý, Sở sẽ đưa ra phương án giải quyết tối ưu.
Dư luận đồng tình với quan điểm của các nhà khoa học, sự việc xảy ra ở Khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn nếu không được xử lý nghiêm khắc, không quy rõ trách nhiệm, thì chắc chắn những sự việc tương tự sẽ tái diễn và gây không ít khó khăn trong việc giải quyết hậu quả. Vì thế, những sai phạm xảy ra tại Khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn là không thể thỏa hiệp. Pháp luật phải thượng tôn. Việc ứng xử thô bạo với di tích là có tội với quá khứ, với lịch sử văn hóa của dân tộc.