1. Những ngày cuối năm, rất nhiều công việc bộn bề nhưng UBND thành phố Hà Nội vẫn phải dành thời gian để bàn về việc xử lý rùa tai đỏ tại Hồ Gươm; có lẽ bởi vấn đề không chỉ dừng ở lĩnh vực môi trường mà còn liên quan đến cả khía cạnh lịch sử và tâm linh… Sở Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, kiểm tra thực tế và đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND thành phố trước ngày 31/12. Hôm nay là hạn chót, không biết Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội có bảo đảm được tiến độ mà UBND thành phố giao hay không, nhưng có một câu hỏi đặt ra: Rùa tai đỏ ở Hồ Gươm không phải do thả nuôi, cũng không thể từ nơi khác bò đến; vậy nó từ đâu mà có?
2. Câu trả lời không khó: Đó là do người dân thả xuống hồ theo tục… phóng sinh! Nguồn gốc của tục phóng sinh có lẽ là mong muốn giải thoát cho các con vật bị bắt giữ, giam cầm, sát hại; sau khi đi vào đạo Phật được coi là một sự tu dưỡng về lòng từ bi của con người. Bản chất của phóng sinh là xuất phát từ cái tâm muốn làm điều tốt. Thế nhưng, việc phóng sinh rùa tai đỏ xuống Hồ Gươm lại là sự đe dọa tới môi trường sống của “cụ” rùa và môi trường nói chung. Có người đặt vấn đề: Như vậy thì nên gọi hành vi này là phóng sinh hay… phóng tử?
3. Theo giáo lý đạo Phật, nếu vì từ tâm mà làm thì phóng sinh là điều rất tốt. Ngược lại, phóng sinh mà không có chút từ tâm nào, chỉ làm cho có hình thức, cho có vẻ đạo đức, hay làm để cầu xin điều gì đó cho mình... thì việc phóng sinh đó xuất phát từ lòng tham muốn của cá nhân. Vì tham mà làm thì chỉ tạo thêm nguồn gốc cho lòng tham mà thôi. Và như thế thì càng “phóng” lại càng “thu” và càng “thả” lại càng “nhốt”. Như vậy, “phóng sinh” hay “phóng tử” phụ thuộc vào ý thức của mỗi người.
4. Chính quyền thành phố Hà Nội và các ngành chức năng sẽ tìm mọi biện pháp để giải quyết “vấn nạn rùa tai đỏ” ở Hồ Gươm; tuy nhiên vấn đề tiếp theo là ngăn chặn không cho rùa tai đỏ tái xuất hiện trong hồ. Sẽ không có cơ quan nào đủ lực lượng để canh giữ 24/24 giờ xung quanh Hồ Gươm. Tuy nhiên việc xử lý nguồn rùa tai đỏ đang bán tràn lan và công khai ở thành phố và các địa phương trong cả nước thì hoàn toàn có thể làm được và cần phải làm nhanh chóng.
5. Và, các cơ quan chức năng cần lấy đây là bài học xương máu, không thể quản lý theo kiểu “phóng… tay” nếu không muốn tiếp diễn cái cảnh “thả gà ra mà đuổi” như vấn nạn ốc bươu vàng. Mong rằng bước sang năm mới sẽ không còn phải nhức nhối vì những chuyện như thế này.
Tuệ Duyên