Đây được cho là biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm thị trường sữa phát triển ổn định và lành mạnh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại, khi bỏ trần, giá sữa có cạnh tranh minh bạch hay không, loại sữa mới nào sẽ vào thị trường Việt Nam? Có xảy ra tình trạng độc quyền nhóm hay không và cơ quan quản lý có cách nào để giám sát?…
Phải thừa nhận rằng, thực hiện quyết định áp giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính (từ 1/6/2014), giá sữa trên thị trường có phần lành mạnh hơn. Chưa thể đánh giá được hiệu quả của việc áp trần giá sữa đến đâu, nhưng với việc ban hành quyết định áp trần giá sữa, đã thể hiện rõ vai trò quản lý, điều tiết thị trường, đồng thời đã khẳng định việc điều hành giá sữa nằm trong tay cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc áp dụng giá trần chỉ giúp ngành chủ quản kiểm soát được doanh nghiệp lớn. Còn với hệ thống cửa hàng bán lẻ, thì việc kiểm soát giá trần không mang lại hiệu quả như mong muốn. Thực tế, trong 2 năm qua, mặt hàng sữa cho trẻ em ở nước ta thuộc loại có giá cao nhất thế giới; giá sữa trong nước chỉ có tăng chứ không có hạ, mặc dù giá nguyên liệu giảm. Bên cạnh đó, chất lượng cũng như độ an toàn của sữa luôn tiềm ẩn sự bất an đối với trẻ nhỏ.
Về lý thuyết, sữa là mặt hàng bình ổn giá, do vậy Nhà nước hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp quản lý theo giá trần dựa trên tính toán giá nhập khẩu, thuế, chiết khấu bán hàng và lợi nhuận doanh nghiệp ở mức hợp lý. Thế nhưng trong thực tế, các cơ quan chức năng chưa quản lý được giá của sản phẩm này, đồng thời cũng chưa thống kê được trên cả nước có bao nhiêu công ty kinh doanh sữa cũng như thị phần của từng công ty. Nói cách khác, biện pháp áp giá trần chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp giảm giá sát với chi phí thực tế.
Hơn thế, mặt hàng sữa không phải như xăng dầu, doanh nghiệp đơn thuần là nhập khẩu về rồi bán ra thị trường, nên Nhà nước dễ dàng định giá, trong khi đó, sữa nguyên liệu nhập về doanh nghiệp phải chi phí nghiên cứu dinh dưỡng, bổ sung vi chất, marketing... nên việc áp giá trần từng sản phẩm là không đơn giản, sản phẩm công thức nên mỗi nhà sản xuất pha chế với hàm lượng vi chất rất khác nhau cho từng sản phẩm, thị trường khác nhau.
Chi phí sản xuất thế nào thì chỉ có doanh nghiệp rõ... Điều mà dư luận quan tâm là giá sữa liên tục tăng, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đều không đưa ra được lý do vì sao tăng giá hay những yếu tố thể hiện tính minh bạch của các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này. Không những thế, một số doanh nghiệp còn than phiền, thực hiện áp trần giá sữa là can thiệp hành chính phi thị trường, nó sẽ làm giảm, thậm chí làm triệt tiêu sức cạnh tranh, khiến cho các doanh nghiệp hoặc phải rút lui khỏi thị trường hoặc tìm cách đối phó. Chẳng hạn, các hãng sữa có yếu tố nước ngoài đã đối phó bằng cách thay đổi nhãn mác, tên gọi; hoặc giữ nguyên giá bán nhưng rút trọng lượng sản phẩm... Cuối cùng, lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn bảo đảm, còn người tiêu dùng thì chịu thiệt.
Điều mà người tiêu dùng mong muốn là Bộ Tài chính nhanh chóng có biện pháp quản lý giá sữa nếu quyết định dỡ bỏ giá trần. Vẫn biết, hiệu quả của công tác này đến đâu, nó còn tùy thuộc vào sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương trong việc giám sát thực hiện. Nhưng đây là thời điểm thích hợp để Bộ Tài chính thay đổi cách thức quản lý giá sữa, tránh để tái diễn giá sữa nhảy múa như thời gian qua.
Nói cách khác, cần phải tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh để người tiêu dùng có quyền chọn sữa rẻ và chất lượng, thay vì buộc phải mua một vài loại với giá bị thao túng như hiện nay. Đó mới là biện pháp căn cơ và hiệu quả để quản lý giá sữa hiện nay.