Trước nay, người ta vẫn đổ lỗi cho sự xuống cấp của quốc lộ 5 (Hải Phòng - Hà Nội) là do xe quá tải trọng. Nhưng khi được cải tạo nâng cấp và việc kiểm tra trọng tải xe được siết chặt thì đà xuống cấp của quốc lộ này vẫn không giảm. Hơn 20 km đường vừa sửa chữa xong, vẫn trong thời gian bảo hành, nhưng đã bị lún sụt thành rãnh sâu từ 5 - 15cm, nhìn chẳng khác ruộng bậc thang, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Nguyên nhân do đâu và đơn vị, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm? Đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Không chỉ quốc lộ 5, rất nhiều tuyến đường giao thông trong cả nước vừa đưa vào khai thác đã xuống cấp nghiêm trọng. Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long (Quảng Ninh) được đầu tư trên 2.800 tỉ đồng nhưng mặt đường đã lún nứt chỉ sau thời gian ngắn đưa vào khai thác. Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn thuộc gói thầu số 3 (dài gần 10 km, đi qua 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành, tỉnh Đồng Nai), mặt đường bị lún, lệch từ 3-5 cm... Dễ nhận thấy là các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách chưa được kiểm soát chặt chẽ bằng các quy định của pháp luật…
Các công trình dù là trọng điểm hay không trọng điểm đều có vấn đề, từ khâu tư vấn thiết kế, giám sát đến thi công, nghiệm thu công trình đến tình trạng “quân xanh, quân đỏ” bắt tay nhau giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong các dự án, công trình giao thông sử dụng vốn ngân sách. Hệ quả là hiệu quả đầu tư giảm, công trình chậm tiến độ và chất lượng không đảm bảo, công trình vừa đưa vào sử dụng đã trục trặc. Sự xuống cấp của các công trình giao thông trong thời gian qua không chỉ làm tổn hao nguồn vốn ngân sách, mà còn làm giảm lòng tin của người dân về năng lực quản lý cũng như việc sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho các công trình, dự án giao thông.
Tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hiện tượng lún nứt đường do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 24/6 vừa qua, đã có những tranh cãi, thậm chí có những nhận định trái ngược nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư về nguyên nhân dẫn tới sự xuống cấp của công trình. Nhưng có nguyên nhân được nhiều ý kiến đồng tình, đó là tình trạng hỏng, vỡ, lún mặt đường chủ yếu vẫn là sự tác động chủ quan của con người. Đáng chú ý, rất nhiều dự án chưa được chấp nhận của cấp có thẩm quyền nhưng vẫn thi công, việc kiểm soát chất lượng cũng chưa được quan tâm đúng mức...
Trở lại với công trình quốc lộ 5, trong khi các ngành chuyên môn và những đơn vị thi công còn mải tranh cãi và đổ lỗi cho nhau, người đứng đầu ngành giao thông vận tải đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình. Tuy nhiên, giải pháp khắc phục ra sao, chế tài quản lý và xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan thế nào, thì vẫn chưa được lãnh đạo ngành chủ quản trả lời thấu đáo.
Có lẽ, giải pháp cần được quan tâm trước tiên là khẩn trương rà soát lại các chính sách đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo hướng quy trách nhiệm cụ thể, đơn vị nào làm sai, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường. Hơn thế, là phải tạo cơ chế giám sát chặt chẽ của cả cơ quan chức năng lẫn người dân, đối với tiến độ cũng như chất lượng các công trình, dự án giao thông.
Yến Nhi