“Cả nước hướng về Đà Nẵng” - đó từng là lời hiệu triệu từ trái tim của hàng trăm y bác sĩ cả nước, của hàng triệu người Việt Nam những ngày tháng 7/2020. Khi ấy, Đà Nẵng bùng dịch COVID-19, sức chịu đựng của hệ thống y tế thành phố dường như tới hạn, tình hình nguy cấp vì hầu hết bệnh nhân đều tuổi cao và có bệnh lý nền. Ở thời khắc khó khăn ấy, nhân dân cả nước đã hướng về khúc ruột miền Trung yêu thương, sẵn sàng xả thân vì Đà Nẵng đương đầu với COVID-19.
Ngay sau khi Đà Nẵng ghi nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên (BN416), Bộ Y tế đã lập tức thành lập các tổ công tác đặc biệt và chi viện khẩn cấp cho thành phố. Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng lập các đội đặc nhiệm và cử những chuyên gia giỏi nhất vào hỗ trợ Đà Nẵng chống “giặc COVID-19”. Các chiến sĩ áo trắng ấy đã lao vào tuyến lửa bất chấp hiểm nguy. Họ không hề lo sợ trước nguy cơ bản thân phơi nhiễm virus, bởi lẽ các y bác sĩ vững niềm tin chuyến đi ấy có thể góp phần giúp Đà Nẵng vượt qua hiểm nguy, có thể giúp đất nước bình yên trong đại dịch.
Hơn 1 năm qua, Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao là một điểm sáng về phòng chống dịch COVID-19. Sự thật đã chứng minh điều đó và Việt Nam chúng ta xứng đáng với ghi nhận đó. Có được thành quả ấy là nhờ đường lối chỉ đạo sáng suốt, chuẩn xác, kịp thời của Đảng và Chính phủ, nhờ có sự vào cuộc khẩn trương với tinh thần “chống dịch như chống giặc” của các bộ, ngành, địa phương, cũng như toàn bộ hệ thống chính trị. Và tất nhiên không thể không nhắc tới sự ủng hộ của đồng bào cả nước, của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo và đồng lòng nhất trí của nhân dân.
Trong cuộc chiến với giặc COVID-19 hơn 1 năm qua, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng xả thân vì thành công chung đã thật sự tỏa sáng lấp lánh ở bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S thân thương này. Biết bao y bác sĩ đã tạm gác lại phía sau niềm vui riêng để đi vào tâm bão, ngày đêm âm thầm chữa bệnh, cứu người. Hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ nơi biên ải không quản hiểm nguy túc trực 24/7 tại vị trí phân công. Hàng nghìn sinh viên trường y tình nguyện sẵn sàng lên đường. Hàng loạt doanh nghiệp, dù cũng khó khăn bộn bề vì đại dịch, sẵn sàng gác lại đơn hàng để tập trung sản xuất khẩu trang miễn phí. Biết bao em bé, biết bao cụ già đã vui vẻ nhường phần tiền tiết kiệm nhỏ bé của mình để góp chiếc khẩu trang, chai nước diệt khuẩn cho cộng đồng…. Có một Việt Nam đoàn kết, một Việt Nam muôn người như một như thế đó.
Những ngày gần đây, khi cả nước đang hân hoan chào đón Đại hội Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Tết Nguyên đán cổ truyền, thì dịch bệnh quái ác lại tái bùng phát ở một số tỉnh miền Bắc, như Hải Dương, Quảng Ninh và một số tỉnh thành lân cận… Tính tới sáng 30/1/2021, cả nước đã ghi nhận tổng cộng 1.739 ca mắc COVID-19, bao gồm 32 ca mới tại ổ dịch ở thành phố Chí Linh của tỉnh Hải Dương (theo nguồn Bộ Y tế). Một lần nữa, đại dịch lại thách thức Việt Nam và một lần nữa cả nước lại khẩn trương ra trận.
Ngay chiều 29/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và một số địa phương. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" vẫn còn nguyên giá trị. Chủng virus mới lây lan rất nhanh, chúng ta cần hành động nhanh hơn, xét nghiệm nhanh trên diện rộng, thần tốc truy vết để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả ở các tỉnh, thành. Thủ tướng nhấn mạnh: “Nhanh chóng dập dịch hiệu quả trước Tết, khoanh gọn các ổ dịch là nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay”.
Từ miền Trung, các thầy thuốc đang công tác tại các bệnh viện ở Thành phố Đà Nẵng cũng cho biết mọi người luôn sẵn sàng lên đường để chống dịch COVID-19. Tối 29/1, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, cho biết “tập thể y bác sĩ bệnh viện đã nắm được tinh thần và luôn luôn sẵn sàng, nếu có lệnh sẽ lập tức lên đường”. Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, “dù sát Tết Nguyên đán nhưng đây không phải là vấn đề quan trọng, tất cả chúng tôi đều sẵn sàng lên đường”. Điều dưỡng trưởng Đặng Thị Công - người làm việc tại Trung tâm Y tế Hòa Vang, nơi từng là điểm nóng chống dịch hồi tháng 8/2020 - chia sẻ: “Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ công lao rất lớn của đông đảo các thầy thuốc khắp cả nước cũng như sự ủng hộ của nhân dân. Nếu Bộ điều động thì chắc chắn anh chị em tại bệnh viện sẵn sàng đăng ký để tới Hải Dương hỗ trợ công tác phòng chống dịch”. Sáng 29/1, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát tại Hải Dương, ngành y tế Đà Nẵng đã chuẩn bị nhân lực để khi cần, sẵn sàng cử nhân lực chi viện và hỗ trợ ngành Y tế tỉnh Hải Dương phòng, chống dịch COVID-19.
Với kinh nghiệm đúc rút được từ đợt cao điểm chống dịch COVID-19 tháng 7-8/2020, việc lực lượng y bác sĩ Đà Nẵng tới “chia lửa” với Hải Dương lúc này sẽ là sự bổ sung rất quí báu về chuyên môn. Bên cạnh đó, việc Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung hướng về Hải Dương (và các tỉnh lân cận) là nguồn động viên tinh thần vô cùng ý nghĩa, bởi đó là hiện thân của truyền thống đoàn kết sẻ chia, của truyền thống Việt Nam “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Tinh thần sẵn sàng lên đường của tất cả các y bác sĩ thật đáng trân trọng biết bao, nhất là ở thời điểm ngày Tết đang cận kề như thế này.
Khó khăn, thử thách như gió to, sóng cả. Song chúng ta vững tin con tàu Việt Nam sẽ lại vượt qua, như chúng ta từng vượt qua biết bao lần trong lịch sử. Một địa phương, một hai bệnh viện sẽ không thể nào đủ nguồn lực để dập dịch hiệu quả, nhưng với sự chung sức đồng lòng của cả nước, chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục chiến thẳng COVID-19 trong trận đánh này. Việt Nam sẽ chiến thắng bởi chúng ta có Đảng dẫn đường, bởi chúng ta có nguồn nội lực vô song: muôn người như một. Và trong cuộc chiến với giặc COVID-19, Việt Nam ta sẽ “lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”, như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.