Khi lướt qua những trang báo mỗi ngày, bạn luôn bắt gặp rất nhiều hình ảnh đau lòng từ những vụ tai nạn giao thông, mà không ít trong số đó xuất phát từ vi phạm nồng độ cồn. Còn nếu bạn là “member” của các hội, nhóm lái xe, chơi xe… trên các mạng xã hội thì tần suất của những thông tin dạng này có thể nói là “liên tục cập nhật”. Bia rượu vào rồi không kiểm soát được tay lái, va quẹt liên hoàn, thử độ cứng của cột điện... Bia rượu vào rồi nổi máu yêng hùng xa lộ lạng lách, lấn làn, phóng với “tốc độ bàn thờ”… Bia rượu vào rồi va chạm, xích mích, rồi “Mày biết tao là ai không?”, dẫn đến choảng nhau giữa đường…
Báo cáo về tình hình trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm vừa qua rõ ràng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông giảm sâu ở cả ba tiêu chí, trong đó số người chết giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (3.242 trường hợp, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để xử lý vi phạm, thì còn có một nguyên nhân khách quan dễ nhận ra là đại dịch COVID-19 đã “đóng băng” nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, trong đó có hoạt động vận tải, giao thông; kinh doanh nhà hàng, quán nhậu. Mật độ giao thông của người dân giảm mạnh, có nhiều thời điểm phố phường vắng như “ba ngày Tết”. Vậy mà tai nạn giao thông dù giảm nhưng vẫn là chuyện “cơm bữa”, đặc biệt là thiệt hại do tai nạn giao thông vẫn rất nặng nề và số vụ vi phạm nồng độ cồn vẫn vô cùng nhức nhối.
Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử phạt 86.144 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 4,4% tổng số vi phạm an toàn giao thông. Để so sánh, cùng kỳ năm 2019, con số này là 73.164 trường hợp. Nghĩa là trong năm đầu tiên Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống và dù quyết liệt triển khai Năm an toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu bia - Không lái xe” kèm theo chế tài rất mạnh của Nghị định 100/2019/NĐ-CP nhưng số vụ vi phạm không những không giảm mà còn tăng lên.
Từ đầu năm, số vụ vi phạm nồng độ cồn bị xử lý ở mức kịch khung (30 - 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm, đối với người điều khiển ô tô) đã không còn là chuyện xa lạ nữa. Tương tự, không ít người đi xe máy “chỉ” uống 2 chén rượu hay 2 chai bia cũng bị áp mức phạt lên tới 7 triệu đồng và tước bằng lái gần 2 năm...
Đặc biệt, nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia trở thành nỗi ám ảnh, day dứt. Mới đây thôi, một thanh niên chạy xe máy trong tình trạng say xỉn đã lao vào người mẹ đang bế con gái đi bộ qua đường tại Bình Phước, hậu quả là cả ba cùng tử vong. Cũng tại Bình Phước, một người đàn ông chếnh choáng hơi men điều khiển xe máy lấn làn tông trực diện vào xe khách và tử vong tại chỗ. Hay vụ tai nạn gây sốc cộng đồng mạng trên cầu vượt nút giao Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt (Hà Nội) cũng vậy, dấu hỏi về nồng độ cồn được đặt ra khi chứng kiến hình ảnh chiếc xe máy lao đi với tốc độ kinh hoàng rồi lạng lách lao thẳng vào ô tô.
Thậm chí, ngay một phó chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Hoàng Diệu (Cục Hải quan tỉnh Bình Phước) cũng không còn là chính mình nữa khi say xỉn. Chiếc Honda CR-V do ông Mai Như Vệ điều khiển, sau khi đã tông trực diện khiến một phụ nữ đi xe máy bị thương nặng lại còn bỏ chạy, phải đến khi bị người dân đuổi theo chặn bắt mới dừng lại. Hiện, ông Vệ đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
“Ma men” đã khiến con người ta không kiểm soát được hành vi của chính mình, dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Nhiều gia đình rơi vào cảnh tang thương chỉ vì những phút bốc đồng trên bàn nhậu của không ít đấng mày râu luôn coi “nam vô tửu như kỳ vô phong”. Và còn nhiều vấn đề xã hội khác nảy sinh khi một gia đình đột ngột mất đi một trụ cột, hay một người bỗng nhiên mất đi khả năng lao động sau tai nạn giao thông. Nhất là khi một đứa trẻ gặp nạn sẽ để lại bao day dứt cho gia đình, mà có lẽ đến hết cuộc đời cũng khó nguôi ngoai.
Nhưng dù thế nào, Nghị định 100 cũng đã thực sự “thổi một luồng gió mới” vào công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Không phải tự nhiên các quán nhậu vắng khách hồi nghị định này bắt đầu có hiệu lực. Chỉ gần đây, dấu hiệu của sự buông lỏng sau thời gian dài cách ly xã hội đã “hỗ trợ” thói quen nhậu nhẹt và sau đó phi xe ra đường trong tình trạng quá chén trở về nếp cũ.
“Phải rút ví hàng chục triệu đồng nộp phạt mới nâng cao ý thức”, liên hệ mới đây của người đứng đầu Chính phủ khi nhắc đến xử phạt vi phạm nồng độ cồn một lần nữa khẳng định chỉ có xử lý nghiêm, với chế tài đủ mạnh mới là giải pháp mấu chốt. Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thời gian đầu cũng gặp rất nhiều phản ứng gay gắt, nhưng sau hơn 10 năm thì mọi thứ bây giờ đã đi vào nề nếp. Vậy cớ gì lại bó tay trước vi phạm nồng độ cồn?
Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đang trình Chính phủ xem xét cũng đã đề xuất đưa vi phạm nồng độ cồn vào nhóm 11 lỗi bị tước giấy phép lái xe ngay lập tức. Hơn lúc nào hết, rất cần có thêm những “liều thuốc” như thế này sớm đi vào cuộc sống, để đủ “đô” trị những “ma men” sau tay lái.