Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa phát hành báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch (TTCI) năm 2015. Theo đó, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 75/141 quốc gia trong bảng xếp hạng. Báo cáo của TTCI dựa trên 4 yếu tố: Môi trường, chính sách, cơ sở hạ tầng, các nguồn tự nhiên và văn hóa của ngành du lịch (thang điểm từ 1 đến 7), trong đó, về môi trường du lịch (an ninh, y tế, vệ sinh…), Việt Nam được 4,6 điểm; tuy nhiên, về các nguồn tự nhiên và văn hóa được đánh giá rất thấp, chỉ đạt 3,2 điểm.
Cần khẳng định rằng, văn hóa giữ vai trò quan trọng trong hoạt động xúc tiến và quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia. Tuy nhiên, vai trò của văn hóa trong các hoạt động của du lịch Việt Nam những năm gần đây lại chưa được coi trọng đúng mức. Du lịch Việt Nam không thể chỉ dựa mãi vào những di sản, mà còn phải khai thác những giá trị văn hóa để làm cầu nối thúc đẩy du lịch phát triển. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi người làm du lịch phải hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để có những hoạt động xúc tiến thiết thực, tạo sự lan tỏa của “vẻ đẹp tiềm ẩn” đến với du khách. Đây cũng được xem là “tài sản” làm cho du lịch trở nên “giàu có” khi ý thức, thái độ ứng xử của người dân đối với khách du lịch được nâng lên.
Đối với khách du lịch, thì ngoài việc muốn hòa mình vào thiên nhiên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của danh lam, thắng cảnh hay khám phá và tìm hiểu các di tích, du khách còn muốn được chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa đặc trưng ở các điểm đến, có thể điểm đến đó còn nghèo, nhưng không thể “nghèo” văn hóa, không thể thiếu lịch sự, không thể thiếu văn minh… Rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đã “một đi không trở lại”, mà nguyên nhân, ngoài hạ tầng du lịch yếu kém, dịch vụ sơ sài, thì văn hóa giao tiếp và cách hành xử, thái độ phục vụ của nhân viên trong ngành đã làm du khách ngao ngán.
Quả thực, ứng xử văn hoá trong hoạt động du lịch ở nước ta đang là nỗi quan ngại. Không khó để nhận diện những hiện tượng thiếu văn hóa xảy ra khá phổ biến ở một số khu du lịch ở nước ta, nhất là tình trạng chèo kéo, đeo bám, bắt chẹt, chộp dựt xảy ra đối với du khách…. Những hành động như vậy không chỉ để lại ấn tượng xấu với khách du lịch, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch, lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.
Dẫu vậy, bức tranh du lịch Việt Nam không phải hoàn toàn là màu xám. Thực tế, ở Việt Nam, không phải ở đâu cũng xảy ra nạn “chặt chém” du khách. Rất nhiều điểm du lịch có chất lượng dịch vụ tốt, môi trường du lịch ấn tượng và đang trở thành điểm đến của khách du lịch quốc tế, như Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Thừa Thiên - Huế... Đơn cử, ở Hội An, chỉ mất 100.000 đồng là du khách có thể ngồi xích lô thoải mái tham quan phố cổ. Cũng tại Hội An, không có chuyện du khách bị tiểu thương làm khó khi mua hàng, càng không có chuyện chèo kéo gây phiền hà cho du khách. Ở Đà Nẵng, du khách được từ nhân viên taxi, người đạp xích lô đến mỗi người dân bình thường, chào đón nồng nhiệt, với nụ cười luôn nở trên môi. Còn ở TP Huế, hàng trăm tài xế xích lô tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì.
Từ báo cáo của TTCI, hy vọng sẽ là một “kênh” để những người làm du lịch Việt Nam nhìn nhận rõ những mặt mạnh để phát huy, mặt yếu để khắc phục, nhằm đưa du lịch Việt Nam có vị thế cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới. Điều cần làm trước tiên là kiên quyết loại bỏ thói kinh doanh trục lợi, bất chính trong hoạt động du lịch. Làm trong sạch, lành mạnh môi trường du lịch, xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn, phải từ những việc nhỏ như nụ một cười thân thiện, bán hàng đúng giá, nhà vệ sinh đạt chuẩn...