Phải thấy rằng, bạo lực gia đình đang trở thành nỗi nhức nhối, nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi tầng lớp xã hội. Dư luận thời gian gần đây không khỏi bàng hoàng, xót xa khi chứng kiến một số hình ảnh, clip trên Internet ghi lại cảnh cha mẹ bạo hành con trẻ, chồng bạo hành vợ... Đó là vết tích của đứa trẻ bị bố đẻ xâu tai, bẻ răng, xích chân tay, dùng nút cao su nhét vào tai. Đó là hình ảnh của người vợ không nhớ nổi mình đã phải chịu bao nhiêu trận đòn vô cớ từ người chồng nghiện rượu. Dù bị tàn phế từ những trận đòn vũ phu, bất kể ngày hay đêm, song người phụ nữ ấy vẫn cắn răng nhẫn nhục. Ðiều đáng quan tâm là các hành vi bạo lực thường xảy ra đằng sau những cánh cửa khép kín và phần lớn nạn nhân có tâm lý cam chịu, không muốn tố cáo, sợ “vạch áo cho người xem lưng”.
Với bậc làm cha làm mẹ, sự thiếu hiểu biết và sự lạm dụng quyền làm bố mẹ của người lớn đã gây tổn hại đến con trẻ. Từ quan niệm để trẻ xấu hổ, sợ hãi thì trẻ sẽ không lặp lại sai phạm, hay “phải đánh mới nên người”, khi trẻ mắc sai lầm, nhiều bậc cha mẹ đã chọn biện pháp trừng phạt nhằm răn đe. Thật đau lòng, những đứa trẻ đáng ra phải được sự chăm sóc, bảo vệ của gia đình, xã hội thì lại phải gánh chịu những trận đòn roi, ngược đãi dã man. Hành động kiểu như vậy, đã đẩy con trẻ vào những cực hình, tổn thương cả về tâm lý, sức khỏe; nguy hại hơn là nó làm cho trẻ mất niềm tin vào cha mẹ, từ đó chán học, dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn hại đến tâm lý, sức khỏe của người bị bạo hành, mà còn xâm phạm đến quyền con người, danh dự nhân phẩm tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Bạo lực gia đình đã làm đảo lộn những giá trị chuẩn mực về đạo đức, truyền thống văn hóa và giá trị bền vững của gia đình Việt Nam.
Có nhiều nguyên dân dẫn đến bạo lực gia đình, nhưng có thể nói, sự bất bình đẳng giới, lối xử sự gia trưởng của người chồng chính là nguyên nhân sâu xa. Bên cạnh đó, còn phải kể đến lý do người chồng (hoặc vợ) mắc phải tệ nạn xã hội (nghiện rượu, cờ bạc, ngoại tình), con cái vi phạm pháp luật...
Vậy giải pháp nào để ngăn chặn bạo lực gia đình?. Trước hết, phòng, chống bạo lực gia đình phải được kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính. Cùng với chú trọng công tác tuyên truyền, việc xây dựng các thiết chế gia đình bền vững được xem là giải pháp nội lực để ngăn ngừa bạo lực gia đình.
Qua những vụ bạo lực gia đình xảy ra gần đây, rất nhiều người đã đặt câu hỏi về vai trò của các cấp chính quyền, đoàn thể, vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật? Đơn cử, với những vụ bạo hành con trẻ, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được quy định trong trong các văn bản pháp luật. Nhưng khi triển khai thực hiện, một số cán bộ đã không làm tròn trách nhiệm, thực hiện chưa nghiêm, chưa đầy đủ, kịp thời, nên để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể là do năng lực yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát; thiếu những quy định, chế tài cụ thể ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em.
Điều đó cũng lý giải tại sao tình trạng bạo lực gia đình nói chung, bạo hành trẻ em nói riêng chưa được ngăn chặn triệt để.