Phải thừa nhận rằng, việc thương hiệu của hãng có gần 60 năm được định giá bằng 0 là một “nỗi đau” của các thế hệ nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh Việt. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là, nhiều năm trở lại đây, tình trạng kinh doanh của VFS rất tồi tệ.
Theo thông tin từ Bộ VHTTDL, ở thời điểm định giá doanh nghiệp (năm 2014), VFS lỗ lũy kế hơn 39,6 tỉ đồng. Sang năm 2015 lỗ hơn 7 tỉ, năm 2016 lỗ 15 tỉ và 6 tháng đầu năm 2017, Hãng tiếp tục lỗ 4,7 tỉ đồng.
Trong khi đó, các giá trị thương hiệu mang yếu tố đặc thù của Hãng như hệ thống lao động và uy tín của lực lượng lao động, bề dày truyền thống, lịch sử,… hiện chưa có văn bản pháp luật hiện hành nào, hoặc không có quy định nào về xác định giá trị tài sản dựa trên các yếu tố lịch sử, truyền thống. Nên việc xác định giá trị thương hiệu vẫn được thực hiện theo cách tiếp cận định giá (từ chi phí, thị trường hoặc thu nhập)…
4. Qua các cuộc gặp gỡ báo chí, các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam đã trưng ra rất nhiều dấu hiệu tố cáo sự không minh bạch, trục lợi trong quá trình cổ phần hoá tại Hãng phim truyện Việt Nam. Và có lẽ, có rất nhiều người cũng cho rằng, bên mua (Vivaso) thực ra không quan tâm tới hoạt động kinh doanh chính là làm phim mà họ quan tâm nhiều hơn tới các giá trị từ đất đai, (đều là những khu đất vàng, thuộc trung tâm Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh), dù rằng đất đai phần lớn là đất thuê.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên mua thực ra không có lỗi gì, vì họ tham gia vào một cuộc đấu giá và về nguyên tắc ai trả giá cao nhất sẽ thắng cuộc.
Theo các chuyên gia, trong trường hợp này, lỗi là do bên bán. Họ đã không biết cách thực hiện thương vụ theo cách có lợi hơn mặc dù có thể làm được, hoặc đã không quan tâm tới lợi ích của các bên liên quan trước khi chào đấu giá. Và nếu Vivaso không thực hiện đúng các cam kết khi tiếp quản VFS, lỗi còn ở bên bán vì đã đặt ra điều kiện nhưng lại lựa chọn sai đối tác không đủ năng lực thực hiện các điều kiện đó.
Còn việc thương vụ cổ phần hóa này do khả năng yếu kém của cơ quan chủ quản, hay do có trục lợi thì còn cần chờ kết quả thanh tra sắp tới.
5. Theo dõi diễn biến vụ việc, có thể thấy rằng, mặc dù lộ trình cổ phần hóa đã đưa ra từ hàng chục năm nay, nhưng đến Bộ VHTTDL vẫn lúng túng trong việc tiến hành cổ phần hóa các đơn vị nghệ thuật.
Việc một công ty không liên quan gì đến nghệ thuật trở thành cổ đông chiến lược cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc trục lợi, về sự minh bạch trong quá trình cổ phần hóa VFS.
Thêm vào đó, việc hai bên không có tiếng nói chung, không cùng quan điểm, và đặc biệt là thái độ ứng xử chưa thiện chí của chủ đầu tư đã dẫn đến những xung đột đáng tiếc.
Rồi những câu hỏi trong quá trình cổ phần VFS chưa được những người có đủ trách nhiệm như Ban Giám đốc VFS, Bộ VHTTDL giải đáp tận tình, cặn kẽ, thấu đáo đã khiến các nghệ sỹ lo lắng, thắc mắc và chưa yên tâm.
Hy vọng rằng, tới đây, khi tiến hành thanh tra lại quá trình cổ phần hóa, những lo lắng, thắc mắc của các nghệ sỹ sẽ được giải đáp thấu đáo, khi đó, mọi người sẽ đồng lòng để cùng nhau đưa VFS và nền điện ảnh phát triển tốt hơn.