‘Thế lực thứ 3’ – Bài học xương máu về bạo động lật đổ

Thế giới không thiếu những bài học xương máu về diễn biến hòa bình lật đổ chính phủ hợp hiến tại một quốc gia.

Các thế lực thù địch nhen nhóm “những đốm lửa nhỏ”, rồi sau đó thổi bùng thành làn sóng biểu tình bạo động chống chính quyền và phá hoại trật tự an ninh xã hội với sự giật dây của lực lượng phản động ngoài nước.

 

Đây không phải là chiến thuật mới, chiêu trò mới. Song hơn 1 thập kỷ qua, nhiều nước từ Trung Đông-Bắc Phi cho tới Đông Âu đã không đủ tỉnh táo và gục ngã trước âm mưu nham hiểm này. Trong mọi trường hợp diễn biến hòa bình, lực lượng chống phá luôn tìm cách khai thác thiệt để và lợi dụng những khó khăn của Nhà nước hiện hành, cố tình thổi phồng các nhức nhối xã hội hay mâu thuẫn tôn giáo-sắc tộc.     

 

Bọn chúng - Thế lực Thứ 3 - sử dụng mọi thủ đoạn phi quân sự, kết hợp với răn đe quân sự để ngầm phá hoại từ bên trong, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, tạo ra các lực lượng chính trị đối lập núp bóng chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền. Đó chính là bản chất của chiến lược “diễn biến hòa bình” và “bạo loạn lật đổ” được giật dây từ bên ngoài nhằm mục tiêu duy nhất là gây sức ép buộc lãnh đạo nhà nước phải từng bước nhượng bộ, thay đổi đường lối chính trị và sau cùng là lật đổ chính quyền nhân dân.

 

Các bước triển khai của lực lượng chống đối cũng không phải là điều gì mới mẻ. Lợi dụng một vấn đề nhức nhối nhỏ, chúng kích động người dân đình công, biểu tình và các cách thức khác. Bài học lịch sử còn nguyên giá trị đối với làn sóng Mùa xuân Arab tại Trung Đông-Bắc Phi, phong trào Maidan tại Ukraine và mới đây nhất là cuộc xung đột Syria.     

 

Điểm tựu chung dễ nhận thấy là “các thế lực thứ 3” đã đặc biệt chú trọng và khai thác yếu tố tâm lý và sự dồn nén khó khăn về đời sống tinh thần, vật chất hay mâu thuẫn sắc tộc để tạo lên tư tưởng bất mãn và chống đối chính quyền tại các nước như Tunisia, Ai Cập, Libya, Ukraine và Syria.

 

Như trường hợp Tunisia, đó là một ngày mùa Đông năm 2010. Người bán hàng rong Mohamed Bouazizi như mọi ngày đang bán rau trên con phố nhỏ Sidi Bouzid. Song hôm đó, Bouazizi bị thanh tra cảnh sát tịch thu chiếc xe bán hàng rong vì vi phạm luật. Để có thể giữ được chiếc xe, anh đã phải hối lộ 7 USD cho cảnh sát, đúng bằng thu nhập của anh trong cả ngày lao động. Bouazizi phản đối và bị một cảnh sát tát vào mặt. Quá phẫn uất, Bouazizi đã tới trước cửa tòa thị chính phản đối và tự thiêu.     

 

Sự kiện này lập tức bị lực lượng chống đối lợi dụng và kích động một làn sóng biểu tình và đình công rầm rộ chưa từng có trên phạm vi toàn quốc. Biểu tình ban đầu diễn ra ôn hòa, xoay quanh các vấn đề nhức nhối của xã hội như đời sống, dân sinh. Tuy nhiên, với sự giật dây của các thế lực tự xưng là ủng hộ dân chủ, cuộc biểu tình tại Tunisia nhanh chóng biến thành bạo loạn khi người biểu tình quá khích xông vào đốt phá trụ sở các cơ quan công quyền. Phe đối lập cáo buộc lực lượng an ninh đã đàn áp và khiến 219 người thiệt mạng. Trước áp lực quá lớn của lực lượng biểu tình và phe đối lập, Tổng thống Abidine Ben Ali đã phải từ chức và trốn ra nước ngoài.     

 

Cái gọi là Mùa xuân Arab bùng phát tại Tunisia sau đó lan sang hàng loạt quốc gia khác như Ai Cập, Yemen và Libya... Cũng với những âm mưu và thủ đoạn như vậy, các thế lực thứ 3 đã “đạo diễn” hàng loạt vụ lật đổ chính quyền hợp hiến tại những nước này.

 

Cần phải nhận diện một điểm chung trong các cuộc biểu tình lật đổ gần đây trên thế giới đó là sự can thiệp ngấm ngầm nhưng trực tiếp của “thế lực thứ 3”. Như tại Syria, không chỉ gây áp lực từ bên ngoài thông qua các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ, phương Tây còn trực tiếp ủng hộ về tài chính, vũ khí và nhân sự để lực lượng đối lập Quân đội Syria Tự do (FSA) và Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) mở cuộc chiến chống lại chính quyền hợp hiến của Tổng thống Bashar al-Assad.  

   

Các thế lực thứ 3 “bổn cũ soạn lại” chiêu trò dàn dựng các vụ tấn công dân thường, người biểu tình để rồi quy trách nhiệm cho nhà chức trách nhằm âm mưu thổi bùng lên làn sóng phản đối chính quyền ở trong và ngoài nước. Báo chí phương Tây thường mô tả White Helmets (Mũ bảo hiểm trắng) là một nhóm các tình nguyện viên xả thân hoạt động nhân đạo ở Syria. Tuy nhiên, bộ mặt thật của tổ chức này tới nay cả thế giới đã rõ.     

 

White Helmets, tổ chức do một cựu nhân viên tình báo Anh thành lập, chính là thủ phạm “bịa đặt” vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma (Syria) ngày 7/4, vụ việc trở thành cái cớ để Mỹ và đồng minh ào ạt không kích quốc gia Trung Đông này. Hãng thông tấn SANA cáo buộc White Helmets đã tung hoang tin, bịa đặt những lời nói dối để phục vụ lợi ích của các nước thù địch với Syria.  

 

Một thủ đoạn thâm hiểm khác của “thế lực thứ 3” đó là lợi dụng tối đa các mạng truyền thông xã hội. Theo một cuộc điều tra của báo Al Jazeera, có tới 90% số người được hỏi tại Tunisia và Ai Cập đã thừa nhận rằng họ từng sử dụng mạng xã hội Facebook để loan truyền lời kêu gọi biểu tình. Những thông tin giả mạo, dàn dựng của lực lượng chống đối đã có tác động như thật sau khi được phát tán qua mạng xã hội. Thậm chí, không ít chuyên gia còn đánh giá chính mạng xã hội đã đánh sập các chính phủ dân cử tại Tunisia và Ai Cập.    

 

Đối với nước ta, các thế lực thù địch, phản động thời gian gần đây ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn nhằm chống phá và âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Lực lượng phản động nước ngoài đang đẩy mạnh việc cấu kết với số đối tượng chống đối trong nước để hoạt động chống phá. Bọn chúng đã lợi dụng tâm lý dồn nén, bất bình của một bộ phận quần chúng nhân dân để kích động biểu tình bạo loạn. Việc xảy xa các vụ tụ tập đông người để gây rối, phá hoại trụ sở chính quyền, các cơ quan, công ty ở một số tỉnh phía Nam mới đây là tín hiệu không thể chủ quan.    

 

Thế giới có không ít bài học xương máu về biểu tình, bạo động lật đổ. Chúng ta cần phải đề cao cảnh giác, không cho phép mình giẫm vào vết xe đổ của các nước nói trên. Người dân, với tư cách chủ nhân đất nước, cần thể hiện tình yêu nước một cách sáng suốt, trí tuệ. Cách đây 70 năm, Bác Hồ viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” giữa lúc mệnh nước “ngàn cân treo sợi tóc” thù trong giặc ngoài. Hiện nay, thế và lực của chúng ta đã khác, vận nước đang lên, đời sống kinh tế-chính trị ngày càng được cải thiện. Tuy vậy, các thế lực thù địch, phản động vẫn không ngừng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.    

 

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần đặt niềm tin vào Đảng, hiểu đúng các chủ trương chính sách của Nhà nước, bình tĩnh, tỉnh táo thể hiện lòng yêu nước để tình cảm cao quý này không bị các thế lực thù địch lợi dụng.    

 

Thanh Tuấn
Những chiêu thức cũ mèm nhưng nham hiểm
Những chiêu thức cũ mèm nhưng nham hiểm

Trong các cuộc tụ tập gây rối vừa qua, có tình trạng một số đối tượng phản động núp dưới chiêu bài dân chủ để kích động, xúi giục người dân thiếu hiểu biết tham gia vào các hoạt động gây rối trái pháp luật. Các hành vi “giật dây”, “ném đá giấu tay” này vừa tinh vi, vừa nham hiểm, nếu không kịp thời ngăn chặn và kiểm soát sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN