Chia sẻ với báo giới, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh, cho rằng: Thực tế hiện nay Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu. Chính sách của Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hoạt động biểu diễn theo quy định pháp luật. Hầu hết các cuộc thi này không sử dụng ngân sách nhà nước, là các hoạt động xã hội hóa, vì vậy “không nên cấm nếu họ không vi phạm pháp luật”.
Xuất phát quan điểm này, nên dự thảo Nghị định mới “chỉ đưa ra quy định, định mức kỹ thuật để các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào đó để điều hành, quản lý”.
Theo đó, với các cuộc thi sắc đẹp trong nước, sẽ khoanh vùng, phân cấp các cuộc thi địa phương,Cục chỉ chịu trách nhiệm chỉ cấp phép cuộc thi hoa hậu quốc tế tại Việt Nam hoặc cuộc thi cấp quốc gia (dự kiến 5 cuộc thi lớn). Còn với các cuộc thi do đơn vị, công ty tổ chức tại địa phương nào, thì địa phương đó chịu trách nhiệm cấp phép quản lý.
Với các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, thay vì việc như lâu nay chỉ các người đẹp đạt danh hiệu hoa hậu, á hậu, hoa khôi các cuộc thi trong nước mới được cấp phép dự thi các cuộc thi ở nước ngoài (quy định tại Nghị định 79); thì dự thảo Nghị định mới sẽ nới rộng, cấp phép cho tất cả các cá nhân có đủ điều kiện theo yêu cầu của cuộc thi sắc đẹp quốc tế.
Đặc biệt, cũng không nhất thiết việc cấp phép phải tìm tới Cục NTBD, mà có thể là địa phương quản lý sẽ cấp phép. Còn một phương án khác nữa là chỉ cấp phép cho thí sinh tham gia một số cuộc thi quốc tế lớn với tư cách đại diện Việt Nam. Những cuộc thi nhỏ khác, những ai đủ điều kiện của ban tổ chức có thể tự do tham dự với tư cách cá nhân. Đây quả là một sự “quá nới” so với các quy định trước đây về việc tổ chức, quản lý hoạt động thi hoa hậu, người đẹp.
Ở một góc độ nào đó, là điều đáng mừng, bởi nó cho thấy một sự hội nhập của Việt Nam với thế giới, tạo cơ hội cho chúng ta có nhiều thêm những cái tên có thể rạng danh trên đấu trường sắc đẹp thế giới, như Hương Giang, H’Hen Niê đã làm được. Trong năm 2018, cùng với niềm tự hào vang dội vì những thành tích của bóng đá Việt Nam trên đấu trường khu vực và châu lục; việc H’Hen Niê lọt Top 5 cuộc thi Miss Universe 2018 và sau đó được bầu chọn là “Hoa hậu đẹp nhất thế giới 2018” trong cuộc bình chọn thường niên của chuyên trang nhan sắc Missosology; cũng đã làm nức lòng hàng triệu triệu người Việt Nam.
Trước đó, những cái tên như Hương Giang với ngôi vị cao nhất cuộc thi “Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018”, Nguyễn Phương Khánh đăng quang “Hoa hậu Trái Đất 2018”, rồi Khánh Ngân xuất sắc giành ngôi vị “Hoa hậu Hoàn Cầu 2017”, Tường Linh là “Hoa hậu Sắc đẹp châu Á 2017” (Miss Asia Beauty 2017)… đều là những thành tích rất đáng tự hào, khẳng định một bước tiến lớn của Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.
Theo đánh giá của BTC, giám khảo, cũng như sự nhận định của chính những người hâm mộ Việt Nam, thì các người đẹp của chúng ta quả thật đã có những bước tiến về hình thể, trí tuệ, tự tin hơn trong việc ứng xử, trong việc sử dụng ngoại ngữ tại các cuộc thi… Và đây là điều giúp chúng ta chiến thắng.
Không thể phủ nhận điều này, nhưng câu hỏi ngược lại, liệu có phải tất cả những người đẹp của chúng ta đều đã đủ “tầm” như vậy để có thể hiện diện trên sân khấu của các cuộc thi sắc đẹp quốc tế? Rất nhiều trường hợp trước đây, những người đẹp đi thi “chui”, rạng danh cũng có, nhưng ngược lại để tiếng chê cười cũng nhiều.
Việc công chúng phát xấu hổ với màn ứng xử, nói tiếng Anh của các người đẹp, hoa hậu mang danh Việt Nam tại các cuộc thi thế giới là không thể phủ nhận. Ngay ở các cuộc thi trong nước hiện nay, với phần thi ứng xử, vẫn khiến BTC, BGK phải thót tim, dù cơ bản các người đẹp đã được chuẩn bị câu trả lời và biết trước các câu hỏi.
Trong một bối cảnh mà việc trình độ của người đẹp, khả năng bảo vệ hình ảnh cho bản thân mình và cho quốc gia của các người đẹp cũng còn khá chông chênh; mà đã tính tới việc cho các người đẹp nhiều quyền tự do hơn, có thể đi thi với tư cách cá nhân (nghĩa là cứ từng có danh hiệu, không cần biết cao hay thấp, cuộc thi quốc gia hay địa phương, ngành; có điều kiện tài chính để đi thi, là có thể tự tham gia các cuộc thi hoa hậu thế giới), liệu đã nên?
Bởi lẽ, dù với tư cách cá nhân, dù việc cấp phép sẽ là do địa phương chịu trách nhiệm; nhưng người đẹp nào khi tham gia các cuộc thi quốc tế, cũng đều phải mang danh là người đẹp Việt Nam, phải đeo tấm biển tên nước là người đẹp Việt Nam, vẫn được xướng tên là người đẹp Việt Nam trên sân khấu; chứ không thể là người đẹp Hà Nội, người đẹp Thái Bình, người đẹp Hà Giang… hay người đẹp Du lịch, người đẹp trang sức… Có nghĩa là họ vẫn là một đại diện của quốc gia. Có những lĩnh vực cần mở cửa, nhưng cũng có những lĩnh vực, vẫn cần một vòng tròn bảo vệ nào đó, vì chính uy tín của người đẹp Việt Nam và vì chính uy tín của đất nước!