Thực thi Công lý không bao giờ muộn

Sáng 11/8, tại Trung tâm văn hoá huyện Yên Phong, Bắc Ninh diễn ra lễ công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm (SN 1936, ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).

Ông Trần Văn Thêm. Ảnh: tuoitre.vn

Quyết định ký ngày 8/8/2016 nêu rõ, quá trình điều tra đã có đủ căn cứ kết luận ông Thêm không có hành vi giết ông Nguyễn Khắc Văn vào đêm 21/7/1970. Như vậy là ông Trần Văn Thêm, người bị kết án tử hình từ 46 năm trước đã chính thức được giải oan.

Trước sự chứng kiến của người dân, chính quyền địa phương và thân nhân của ông Thêm, ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND cấp cao đã công khai đọc lời xin lỗi ông Trần Văn Thêm: “Hôm nay, đại diện cho cơ quan tố tụng là Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, Viện Kiểm sát Cấp cao tại Hà Nội, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, chúng tôi công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm và gia đình theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Việc khởi tố, xét xử không đúng đã gây tổn thất cho ông Thêm và gia đình. Chúng tôi nhận thấy đây là một bài học đắt giá cho các cơ quan tố tụng trong quá trình xét xử vụ án...”

Vụ án oan liên quan ông Trần Văn Thêm đã kéo dài 46 năm, cũng có thể nói là một vụ án đặc biệt hy hữu trong lịch sử tư pháp nước nhà.

Trình tự dẫn đến vụ án oan sai có thể tóm tắt như sau: Năm 1970, ông Thêm bị buộc tội giết chết em họ là ông Nguyễn Thanh Văn để cướp của. Sau đó ông bị hai phiên tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án tử hình. Cho tới năm 1975, hung thủ thật của vụ án là Phùng Thanh Nhàn (ở Đồng Tĩnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã bị bắt. Sau đó, ông Thêm được trả tự do và trở về địa phương sau hơn 5 năm 6 tháng 7 ngày ngồi tù. Tuy được trả tự do nhưng ông Thêm chỉ có một tờ giấy của cơ quan có thẩm quyền lúc bấy giờ cho trở về nhà, được miễn lao động nặng vì bị thương ở đầu (vết thương do kẻ cướp đánh trong vụ án).

Nhiều năm sau đó, ông Thêm và gia đình đã liên tục kêu oan nhưng một số cơ quan tố tụng ở trung ương và địa phương đã có văn bản trả lời không tìm thấy tài liệu nào về vụ việc của ông, bản thân ông cũng không có bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh đã đi tù và bị án tử hình. Mãi cho tới năm 2014, ông Nguyễn Văn Hòa người đại diện ủy quyền của ông Thêm và luật sư đã trích lục được hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Thêm tại Công an tỉnh Bắc Ninh. Từ đó các cơ quan chức năng mới có căn cứ giải quyết oan sai.

Có thể nói đây là một vụ án oan sai, có tính đặc biệt ở chỗ thời gian kéo dài, qua nhiều thời kỳ biến chuyển của đất nước, từ chiến tranh sang hòa bình. Số phận của cả dân tộc đã thay đổi, theo đó thay đổi mỗi số phận con người, nhưng nỗi oan thì vẫn còn đó với một con người cụ thể. Một người lương thiện bị mang tiếng suốt 46 năm là kẻ giết hại em họ của mình để cướp của, thực sự là nỗi sỉ nhục và đau đớn tột cùng với một người bình thường đang sống giữa cộng đồng. Vụ án oan sai này và quá trình giải oan cho nạn nhân cũng mang tính đặc biệt ở chỗ các cơ quan tư pháp, các luật sư không chỉ với tinh thần trách nhiệm của công chức, chức nghiệp mà còn bằng cả lương tâm nghề nghiệp, bằng sự cảm thông, chia sẻ đối với người bị oan, trả lại công bằng cho công dân vô tội, bảo vệ Công lý, bảo vệ quyền con người theo đúng tinh thần nhân văn của pháp luật.

Cần nói thêm rằng, trong những năm gần đây, nhiều vụ án oan sai đã được các cơ quan chức năng xem xét giải quyết để trả lại công bằng cho công dân. Vụ minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén vừa qua và vụ minh oan cho ông Trần Văn Thêm ngày 11/8/2016…đã thể hiện tinh thần nghiêm minh, công bằng của pháp luật. Những người thực thi pháp luật sai trái đã và đang bị xử lý, những người dân lương thiện bị oan sai đã được xin lỗi, đã hoặc đang được xem xét bồi thường. Điều đó chứng tỏ rằng, thực thi công lý không bao giờ là muộn, là trễ với người bị oan sai; và công lý cũng không thể dung tha hành vi phạm pháp của những người được trao nhiệm vụ thực thi pháp luật mà không đủ năng lực, không có tâm huyết, không có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp.

Đành rằng “đây là một bài học đắt giá cho các cơ quan tố tụng trong quá trình xét xử vụ án” nói như ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND cấp cao trong lời xin lỗi ông Trần Văn Thêm. Nhưng việc Tòa án công khai xin lỗi những người bị oan sai dù đã hàng chục năm đã thể hiện tinh thần công bằng, nghiêm minh, dũng cảm sửa sai của các cơ quan tư pháp. Qua đó, tăng thêm tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật, bảo đảm sự công bằng cho mọi công dân. Đồng thời là cách bù đắp tổn thất hữu hiệu nhất cho người bị oan sai trên phương diện pháp lý, nhân văn.

Nguyễn Quang Vinh (TTXVN)
Đình chỉ điều tra và công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm
Đình chỉ điều tra và công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm

Đại diện các cơ quan tư pháp Trung ương tổ chức công bố quyết định đình chỉ điều tra và công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm (sinh năm 1936), ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, trong vụ án xét xử oan sai nhiều năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN