Những ngày gần đây trên báo chí liên tục có những thông tin đầy quan ngại với nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt đang bị xâm hại; trong số đó có những địa danh là một phần của thương hiệu du lịch Đà Lạt như Hồ Than Thở hay Thung lũng Tình yêu có nguy cơ biến mất.
Có thể nói ở nước ta, Đà Lạt là một địa danh xứng đáng nhất với tên gọi là một thành phố du lịch; bởi vì cách đây hơn một thế kỷ, khi nhà bác học Yecxanh khám phá ra vùng “đất của người Lát” có khí hậu lý tưởng và thiên nhiên mơ mộng thì ngay sau đó không lâu người Pháp đã bắt đầu xây dựng một địa điểm du lịch nghỉ dưỡng; tất nhiên là dành cho các “quan cai trị” thời thực dân.
Theo đó, các khách sạn, nhà hàng, các biệt thự, các công sở lần lượt ra đời; đường xe lửa có đường ray “răng cưa” độc đáo dẫn du khách lên cao nguyên Lâm Đồng, đến với thành phố của những biệt thự vừa sang trọng, vừa cổ kính, hài hòa và góp phần tô điểm cho thiên nhiên.
Không ở đâu trên đất nước ta, những công trình xây dựng lại hài hòa với thiên nhiên như ở Đà Lạt; và các công trình lại có tác dụng tôn vinh nhau lên, tạo thành “điểm nhấn” của thành phố du lịch. Chẳng hạn, nói đến khách sạn Palace thì phải nói đến khách sạn Đà Lạt cùng với nhà thờ “con gà” và nhà bưu điện gắn với hồ Xuân Hương. Và khi đã nói đến hồ Xuân Hương thì không thể không nói đến đồi Cù với những đồi thông lượn lờ tạo nên một nét mảnh mai, huyền ảo mỗi sớm mai hay mỗi chiều hoàng hôn.
Mặt hồ, dòng suối, đồi thông, khí hậu phảng phất miền ôn đới với bóng mây ghé qua làm một cơn mưa bất chợt rồi trời lại trong xanh với nắng vàng chanh hắt lên những công trình xây dựng theo một qui hoạch chặt chẽ từ hơn thế kỷ trước đã tạo nên Đà Lạt – thành phố du lịch với đầy đủ ý nghĩa; có đủ năng lực tổ chức nhiều loại hình du lịch khác nhau như: Tham quan, hội nghị, điều dưỡng, khám phá… Đà Lạt đã tự mình hình thành nên đặc thù của một thành phố du lịch với những người dân vui vẻ, điềm đạm, lịch sự, nhẹ nhàng và luôn thân thiện với du khách; đồng thời có ý thức rất rõ trong việc vừa xây dựng văn hóa du lịch, bảo vệ và tôn tạo các danh lam thắng cảnh và môi trường du lịch.
Tất cả những điều đó đã làm nên một thương hiệu du lịch Đà Lạt.
Tuy nhiên, Đà Lạt đang đứng trước nguy cơ đánh mất những giá trị du lịch do “nhân tai”. Tiếng kêu cứu đã vang lên từ “Thung lũng Tình yêu” và hồ Đa Thiện bởi bọn “thiếc tặc” đang đào những đường hầm để khai thác quặng, tàn phá rừng thông, đầu độc nguồn nước hồ. Tiếng kêu cứu cũng vang lên từ hồ Than Thở, bởi những chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật từ những vùng trồng rau cùng đất rừng bị xói mòn bởi bị chặt phá, đang tràn về lấp hồ và gây ô nhiễm nước hồ, khiến cho du khách chỉ còn biết “than thở”. Tiếng kêu cứu cũng vang lên từ thác Cam Ly bởi nguồn nước thải bốc lên nồng nặc gây ô nhiễm cả một vùng khiến du khách vừa đặt chân tới đã muốn nói lời “biệt ly”!
Tài nguyên du lịch của Đà Lạt đang đứng trước họa “nhân tai”. Giá trị của du lịch Đà Lạt đang bị suy giảm. Thương hiệu du lịch Đà Lạt được xây dựng cả thế kỷ đang đứng trước sự đánh giá rất công bằng và khách quan của du khách với những tín hiệu không khả quan. Do vậy, để Đà Lạt mãi là thành phố du lịch hàng đầu của đất nước, chính quyền tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt cùng các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương cần có biện pháp hữu hiệu bảo đảm và phục hồi giá trị của môi trường du lịch Đà Lạt thông qua việc nâng cao ý thức người dân; thực hiện các dự án bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn cùng với rừng thông trong thành phố; làm sạch các sông, suối, hồ; đồng thời phải có qui hoạch vùng sản xuất rau, hoa trái hợp lý sao cho không ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước và khí hậu. Phải nhanh chóng dẹp bỏ nạn khai thác khoáng sản trái phép, trả lại cho các điểm du lịch nét bình yên, thơ mộng để du khách lại tìm về…
Nguyễn Quang Vinh