Trách nhiệm xã hội qua phương án tuyển sinh

Việc nhiều trường đại học lớn điều chỉnh phương án tuyển sinh, chuyển từ thi riêng sang xét tuyển đã thể hiện tinh thần trách nhiệm với xã hội, nhất là trong thời điểm “hậu COVID -19”.

Đầu mùa tuyển sinh 2020, như rất nhiều năm trước, các trường đại học “top đầu” đưa ra phương án tuyển sinh riêng của mình. Có trường thêm một kỳ thi nhằm đánh giá năng lực của thí sinh, có trường đưa ra một hình thức nào đó để có thêm căn cứ để lựa chọn sinh viên tương lai.

Chú thích ảnh
Thí sinh tìm hiểu về phương án tuyển sinh và các ngành học của các trường đại học. Ảnh: TTXVN

Dịch COVID-19 đã tạo nên nhiều thay đổi. Thời gian ôn thi trực tiếp với thầy cô của các thí sinh bị gián đoạn; thời gian học cuối cấp bị đảo lộn; thời gian thi tốt nghiệp THPT dời ngày. Không thể phủ nhận tâm lý của thí sinh có những xáo trộn và những khó khăn của kinh tế - xã hội do dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới hoạt động dạy và học của các nhà trường.

Thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý các trường cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ các điều kiện cần và đủ để thi riêng, tránh gây hoang mang dư luận. "Tự chủ phải có lộ trình chứ không phải muốn làm gì thì làm, phải có sự kiểm soát chất lượng. Thi phải có quy chế, đội ngũ, ngân hàng đề... để đảm bảo tính khách quan, công bằng và minh bạch, chứ không phải nói thi là thi”- Bộ trưởng nói. “Các trường cần phải trăn trở về trách nhiệm của mình với xã hội, đất nước trong giai đoạn này" – ông Phùng Xuân Nhạ kêu gọi.

“Giai đoạn này” mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói tới, chính là giai đoạn “hậu COVID”, khi không chỉ nền kinh tế mà mọi mặt trong đời sống xã hội đều đã chịu những tổn thương nhất định do dịch bệnh gây ra. Việc tạo thêm một áp lực thi cử thứ hai không những gây mệt mỏi, tốn kém cho các trường lẫn Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn đè thêm gánh nặng trên vai các thí sinh và người nhà. Không những vậy, dịch bệnh vẫn không thôi rình rập, khiến việc tổ chức các hoạt động đông người luôn tiềm ẩn nguy cơ.

Và không chỉ có lời kêu gọi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo có tính phân loại. Tận mục sở thị khả năng sàng lọc thí sinh của đề thi, đa số các trường đã yên tâm khi có căn cứ xét tuyển. Thêm những yêu cầu khắt khe của Bộ nhằm đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, an toàn nếu muốn tổ chức thi riêng, các trường đã thấy rõ lợi ích nếu bỏ đi kỳ thi riêng này. Vậy là như một hiệu ứng đô –mi- nô, chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, hàng loạt trường đại học, trong đó có những trường top đầu lần lượt công bố việc “bỏ thi riêng”, chỉ sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia để tuyển sinh cho năm học 2020 - 2021, nếu cần thì xét thêm học bạ hoặc các chứng chỉ cần thiết.

Tới thời điểm này, các hình thức tuyển sinh phổ biến của các trường đại học là: Tuyển thẳng (với các thí sinh đạt các tiêu chí theo quy định); Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia; Xét kết hợp kết quả thi THPT Quốc gia và học bạ, các chứng chỉ. Thậm chí có trường sẵn sàng tổ chức xét tuyển dựa theo kết quả học tập bậc THPT kết hợp với hình thức kiểm tra đánh giá từ xa với những môn đặc thù; có trường bỏ cả môn thi năng khiếu.

Như vậy, gần như tất cả các “vũ môn thứ hai” đã được gỡ bỏ (dù thực tế vẫn còn một số ít trường ĐH có tổ chức “thi riêng” – gọi là thi riêng nhưng chỉ là kiểm tra đánh giá năng lực ở một số ngành đặc thù, hoặc kiểm tra đánh giá tư duy). Không đơn thuần là sự thay đổi trong phương án tuyển sinh, những quyết định này thể hiện trách nhiệm của mỗi cơ sở giáo dục với xã hội, với đất nước trong giai đoạn này.

Cần đánh giá cao quyết định của các nhà trường. Các trường đã phải chấp nhận phương án tuyển sinh (tạm gọi là) khó khăn hơn, khi giảm bớt các công cụ sàng lọc; đồng thời khả năng về “thí sinh ảo” vốn khiến các trường rất ngần ngại trong tuyển sinh, có thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên, các trường đã chấp nhận những khó khăn có thể nhìn thấy trước này, để “nhường” phần nhẹ nhàng lại cho các thí sinh và gia đình và bảo đảm an toàn cho xã hội trước nguy cơ dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cũng phải đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đã kịp thời đưa ra đề thi tham khảo có tính phân loại để tạo sự yên tâm cho các trường. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các trường phân bổ chỉ tiêu xét tuyển học bạ phù hợp và khi xét tuyển, các trường cần tránh đưa ra những tổ hợp lạ, gây hoang mang dư luận. Tổ hợp xét tuyển phải đảm bảo tính khoa học và yêu cầu của ngành đào tạo. Để củng cố cho chủ trương này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cam kết sẽ hỗ trợ các trường về cơ sở dữ liệu và lọc ảo.

Rõ ràng các chủ trương và lời kêu gọi chỉ có thể nhanh chóng đạt được đồng thuận, khi có những biện pháp hiệu quả đi kèm. Đứng trên sự thấu cảm với những khó khăn của thí sinh và sự an toàn của xã hội, các cơ sở giáo dục nói riêng và toàn ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung đã thực sự thể hiện trách nhiệm của mình trong một giai đoạn đặc biệt của đất nước.

Chính sự trăn trở và trách nhiệm đó của ngành Giáo dục đã tạo được sự tin tưởng và hy vọng của xã hội vào một kỳ tuyển sinh an toàn, nhẹ nhàng, không áp lực, giảm bớt những căng thẳng, tốn kém, đánh giá đúng năng lực thí sinh, bảo đảm sự nghiêm túc, công bằng.

 

Thùy Hương
Những lợi thế khi đăng ký tuyển sinh vào Đại học Thủy lợi
Những lợi thế khi đăng ký tuyển sinh vào Đại học Thủy lợi

Trường Đại học Thủy lợi có trên 60 năm xây dựng với đội ngũ giảng viên trình độ cao, cơ sở vật chất hiện đại, các phong trào hoạt động sôi nổi; học phí thấp và rất nhiều học bổng; ngành nghề hấp dẫn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN