Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược lại xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19.
Brand Finance nhận định giá trị thương hiệu quốc gia của nước ta đã tăng 29% so với năm ngoái, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó Việt Nam đã tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Đây là một thành tích ấn tượng, nối dài giai đoạn 4 năm qua, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia của nước ta liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh của thế giới, nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp.
Năm ngoái, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD, tương đương 5,4% so với mức định giá 235 tỷ USD của năm 2018) và xếp hạng 42.
Năm nay, Brand Finance đánh giá cao công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế của chúng ta. Hãng cho rằng “Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 và tử vong thấp một cách đáng ngạc nhiên”, đồng thời khẳng định nước ta “là điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á cho hoạt động sản xuất, và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Mỹ đang tìm cách chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc”. Ngoài ra, Brand Finance nhận định việc ký kết các hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu cũng góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam.
Báo cáo của Brand Finance thực sự là một điểm sáng, cho chúng ta vững tin vào những thành quả đáng tự hào của Chính phủ khi chỉ còn vài ngày là kết thúc một năm 2020 đầy thử thách. Đúng hơn, 2020 là một phép thử quá khắc nghiệt với thế giới khi đại dịch COVID-19 càn quét khắp 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây ra những tổn thất lớn về kinh tế, đời sống và đồng loạt hạ hầu hết các dự báo tăng trưởng GDP về mức âm. Brand Finance ước tính 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới đã mất 13.100 tỷ USD giá trị thương hiệu trong năm nay.
Trong bức tranh màu xám đó, nền kinh tế nước ta lại được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng gần 3% trong năm nay, trái ngược với dự báo kinh tế thế giới sẽ suy giảm ít nhất 4%. Trong bản báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam công bố ngày 21/12 vừa qua. WB cho rằng Việt Nam có kết quả đó là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại.
Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Khu vực kinh tế đối ngoại - động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam trong thập kỷ qua - đạt kết quả rất tốt kể từ khi khủng hoảng COVID-19 bắt đầu. Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức xuất khẩu hàng hóa đạt thặng dư lớn nhất từ trước đến nay, đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp cho thất thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp.
Báo cáo của WB cũng cho biết các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư hoặc dịch chuyển các hoạt động sản xuất sang Việt Nam do chúng ta xử lý tốt đại dịch.
Chúng ta đã kiên cường, đoàn kết cùng nhau đi qua một năm 2020 biến động khôn lường, một năm ta không chỉ phải chống chọi với dịch bệnh mà còn hứng chịu những đợt thiên tai, lũ lụt khốc liệt. Từ bác nông dân, chị hàng rong cho đến anh công nhân, doanh nhân, hay trí thức, mỗi người dân dù thuộc thành phần nào trong xã hội, khi nhìn lại một năm qua, chắc chắn sẽ không khỏi tự hào và biết ơn. Rằng chúng ta đã vượt qua đại dịch khủng khiếp này một cách an toàn nhất, ít tổn thương nhất. Mỗi người đều biết chấp nhận rằng những tổn thất là có, nhưng đó là những tổn thất đã được giảm thiểu tối đa nhờ những nỗ lực vượt bậc trong chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta.
Chúng ta đã không chỉ hoàn thành tốt “mục tiêu kép” - kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đồng thời với duy trì sự vận hành bình thường của nền kinh tế - mà còn biến thách thức thành cơ hội để đạt những thành quả khích lệ.
Với những thành tựu trong năm 2020 “không thể quên” này, nền kinh tế nước ta đang tiến tới một năm 2021 đầy triển vọng, dự báo tăng trưởng ở mức 6,8%, và dự kiến sẽ ổn định ở mức 6,5% các năm tiếp theo (theo WB).
Trong lúc tia sáng vaccine phòng COVID-19 đang thắp lên niềm hy vọng trên khắp thế giới, chúng ta hoàn toàn có thể vững tin vào một Năm Mới với những thời cơ mới, thắng lợi mới, như lời bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khẳng định: “Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau COVID-19”.