Nước ta đã bảo vệ, bảo tồn được thành công rất nhiều di sản và giá trị văn hóa, lịch sử…, duy chỉ có việc bảo vệ động vật hoang dã là mang hương vị thất bại. Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên vừa công bố Báo cáo đánh giá hiện trạng của các quốc gia về tuân thủ và thực thi các cam kết Công ước về buôn bán quốc tế những loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.
Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia thực thi đáng lo ngại nhất, với thẻ màu đỏ! Đánh giá này không hề oan. Còn nhớ năm ngoái các thông tin xét nghiệm ADN của các nhà khoa học quốc tế, dù không muốn nhưng cũng đi đến kết luận là, con tê giác Java một sừng cuối cùng ở Việt Nam đã vĩnh viễn tuyệt chủng. Điều này làm mất đi một phần di sản thiên nhiên và biểu trưng đa dạng sinh học ở toàn vùng Đông Nam Á. Thế rồi vừa qua lại rùm beng hai vụ liên quan đến động vật quý hiếm. Thứ nhất, con bò tót lạc vào sân bay Phú Bài - Huế đã bị bắn hạ. Thứ hai, cảnh giết thịt voọc tàn nhẫn của mấy binh nhất đóng quân tại Kon Tum được tung lên mạng Facebook gây bức xúc dư luận. Hai sự kiện này đều cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong quản lý và bảo vệ các loài động vật hoang dã ở nước ta.
Đó là còn chưa kể đến những vụ buôn lậu, trốn cơ quan chức năng nhằm tiêu thụ các loại động vật hoang dã để nấu cao, giết thịt. Hiện nay ở Tây Nguyên, một số voi phải bảo tồn nghiêm ngặt trong tình trạng sức khỏe tồi tệ do kẻ trộm cắt đuôi, cưa ngà để bán, rất tinh vi, độc ác và phi nhân tính!
Tại sao động vật hoang dã, quý hiếm lại dễ bị chết oan trong điều kiện luôn được bảo tồn? Trước hết, giá trị cao đã biến chúng thành món mồi béo của “săn tặc”. Phần khác, điều này còn xuất phát từ văn hóa của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam là đề cao những loại thuốc từ động vật, coi đó là những thần dược để cải thiện sức khỏe của không ít đại gia lắm tiền nhưng lại mắc bệnh nan y, bệnh “khó nói”... Thế nên, các loài động vật như trăn, rắn, khỉ, hổ, ngựa bạch… đều có thể bị nấu cao và tiêu thụ ngầm cho các khách hàng này. Ngoài uống thì phải kể đến ăn. Từ chim trời, cá bể đến các loại côn trùng, sâu bọ, cứ nghe nói bổ là ăn, là nhậu! Các nhà hàng chuyên thịt thú rừng mọc lên nhan nhản: chốn phồn hoa nếu khéo tìm cũng có, nơi yên tĩnh bìa rừng, vệ núi cũng sẵn. Toàn khách đi xe sang, biển đẹp đến thưởng thức những món ăn từ tinh hoa quý hiếm của thiên nhiên, núi rừng với giá trên trời, để tăng cường sinh lực. Chính vì thế, cứ phàm là con vật nào nằm trong chương trình bảo vệ, cứu hộ thì y như rằng sớm muộn gì nó cũng phải… bị tiêu diệt!
Trong xu hướng chung của nhân loại, việc bảo tồn động vật là một trong những tiêu chí văn minh cơ bản để giao lưu văn hóa và phát triển nguồn du lịch xanh, du lịch sinh thái. Việt Nam là đất nước tươi đẹp, với biểu tượng du lịch là “vẻ đẹp bất tận”, con người thân thiện, hiền hòa. Dù vậy, với sự cảnh báo về tình trạng giết hại, buôn bán động vật hoang dã như hiện nay, e rằng “vẻ đẹp bất tận” và con người hiền hòa kia sẽ bị hoài nghi đối với những du khách từng tai nghe thông tin hay mắt thấy hình ảnh về cảnh săn bắn, xẻ thịt, ăn nhậu động vật ở nước ta!
Ngô Đồng