Vì sao Trung Quốc nổi đóa ở Shangri-La?

Tại Hội nghị an ninh khu vực châu Á- Thái Bình Dương vừa diễn ra tại Singapore (Đối thoại Shangri-la), đại diện của Trung Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Vương Quán Trung đã có những lời chỉ trích gay gắt nhằm vào bài phát biểu trước đó của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Ông nói: “Tôi nghĩ là đoàn Trung Quốc, người Trung Quốc ngoài phòng họp có cảm giác bài phát biểu của ông Abe, ông Hagel là hành động khiêu khích đối với Trung Quốc”..


Sau đó, ông Vương còn dùng một số ngôn từ mạnh mẽ hơn, mà theo nhận xét của nhiều người là chúng mang tính “hằn học” và “nói lấy được”.


Phản ứng của đại diện Trung Quốc không có gì lấy làm lạ xét thái độ từ trước tới nay của nước này trong các vấn đề tranh chấp với láng giềng. Nó chỉ lạ khi được đưa ra ở Hội nghị Shangri-La mà các nhà tổ chức đã ẩn ý khi dùng từ “Đối thoại”, nơi các nước gặp nhau để tìm giải pháp thúc đẩy hòa bình, thay vì “tiếng chì tiếng bấc” với nhau.


Chưa năm nào Shangri-La “nóng” như năm nay. Câu chuyện của các đại biểu chủ yếu xoay quanh nguy cơ xảy ra xung đột hủy hoại an ninh khu vực, khi tình hình thực tế đã không còn là những “dấu hiệu” hay “mầm mống” nữa, mà đã xuất hiện những hành vi đơn phương gây hấn, thay đổi thực địa, khiến bầu không khí chính trị Đông Á vô cùng căng thẳng.


Thậm chí, ngay cả lúc chương trình chính thức chưa bắt đầu, nhiều diễn giả đã tranh thủ lên diễn đàn để bày tỏ quan ngại. Các cuộc gặp chính thức trong chương trình nghị sự cũng như song phương bên lề diễn ra dồn dập và kéo dài. Đại diện của Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam, Singapore, Malaysia… trong các bài phát biểu của mình đều nhấn mạnh rằng các quốc gia cần có trách nhiệm giữ gìn hòa bình, ổn định và tuân thủ luật pháp quốc tế.


Trong khi quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng chưa cải thiện vì nhiều vấn đề, thì nước này liên tiếp có các động thái đơn phương gây căng thẳng, như gây sự ở vùng biển Philippines, đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm lên vùng tranh chấp. Và đặc biệt mới đây Bắc Kinh ngang nhiên hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, khiến nhiều quốc gia lo ngại cho nền an ninh ở khu vực được coi là “trái tim của châu Á-Thái Bình Dương và giao điểm của nền kinh tế toàn cầu”.


Trừ Mỹ, Nhật Bản và một vài nước có liên quan trực tiếp với Trung Quốc, hầu hết các diễn giả tại Đối thoại Shangri-La đều không lên án trực tiếp, mà chỉ nêu quan điểm rằng các bên không được đơn phương gây hấn, không thay đổi hiện trạng, không đe dọa dùng bạo lực hoặc dùng bạo lực, và cần giải quyết bất đồng thông qua đàm phán hoặc qua các thể chế quốc tế.


Dù không nói thẳng nhưng các đại biểu và dư luận đều hiểu diễn giả ám chỉ ai, nhằm vào ai. Dường như đoàn đại biểu của Trung Quốc cũng cảm thấy sức nóng đang chiếu thẳng vào gáy mình. Thay vì dùng luận cứ để biện giải, đại diện của Trung Quốc chỉ nói đi nói lại quan điểm, đồng thời dùng những ngôn từ mạnh và cay nghiệt để đáp trả. “Có tật giật mình” và họ đã thực sự “nổi đóa”.


Thành Vinh

Báo chí quốc tế nói về Shangri-La 13: Các nước bất bình với Trung Quốc
Báo chí quốc tế nói về Shangri-La 13: Các nước bất bình với Trung Quốc

Báo chí quốc tế nhận định, diễn đàn Shangri-La năm nay chứng kiến sự bất bình sâu sắc của các nước trước những hành động gia tăng căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN