Trong những năm gần đây, chủ nghĩa bảo hộ kinh tế dường như trỗi dậy ở một vài quốc gia nhưng hợp tác và liên kết kinh tế vẫn là xu thế tất yếu của kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nước vẫn coi trọng thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế để phục vụ các mục tiêu, lợi ích chiến lược, an ninh và phát triển.
Bước vào thời kỳ Đổi mới, Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, phù hợp nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Chúng ta có quan hệ kinh tế với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ; tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm các Hiệp định đã ký kết, thực thi và đang đàm phán, trong đó có các FTA thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, RCEP). Việt Nam cũng tích cực tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN, hình thành một thị trường thống nhất có qui mô gần 630 triệu dân với quy mô GDP đạt gần 3.000 tỷ USD. Sau 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng gấp hơn 4 lần, đạt gần 425 tỷ USD, gấp khoảng 1,9 lần GDP.
Năm 2017, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2017) được tổ chức ở Việt Nam đã thành công rực rỡ, trong đó Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về thúc đẩy thương mại, đầu tư tự do và mở là sứ mệnh của các nền kinh tế APEC, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Cũng tại đây, 11 nền kinh tế thành viên đã thống nhất ra Tuyên bố chung khẳng định những vấn đề cốt lõi, tiến tới ký kết, triển khai CPTPP.
Quá trình hội nhập kinh tế tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Việt Nam đã gắn việc thực thi các cam kết hội nhập với quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế luật pháp, cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh; xây dựng các chính sách, cơ chế phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; thực hiện nhất quán đường lối đổi mới và hội nhập, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ cho sự phát triển thịnh vượng của quốc gia. Coi trọng việc xây dựng, đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm tính linh hoạt, hỗ trợ tiếp cận thị trường minh bạch, duy trì chuẩn mực lao động tiên tiến, bảo vệ lợi ích chính đáng của cộng đồng kinh doanh, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo không ngừng.
Những kết quả kinh tế - xã hội đạt được toàn diện trong năm 2017, với mức tăng trưởng 6,81% thuộc nhóm cao nhất châu Á và toàn cầu đã minh chứng cho chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Một tin vui khác trong năm mới Mậu Tuất là hai tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo đã đạt 889.000 tấn và 437 triệu USD, tăng 21% về khối lượng và tăng 39,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Gạo Việt Nam sau nhiều năm lép vế nay đã được giá hơn gạo Thái Lan, cụ thể là giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn, thì năm 2017 là 450 USD/tấn, còn đợt xuất khẩu đầu năm 2018 đạt mức 475 USD/tấn.
Đây là kết quả của việc kiên trì, kiên quyết thực hiện chủ trương tái cơ cấu của ngành nông nghiệp nước ta trong vài năm gần đây. Nhưng nó cũng có nguyên nhân từ đối thủ cạnh tranh là ngành xuất khẩu gạo của Thái Lan đã chững lại, chậm đổi mới, điều đó lại là một bài học kinh điển trên thương trường quốc tế.
Cùng với việc ký kết các hiệp định kinh tế, thị trường quốc tế đang ngày càng rộng mở với doanh nghiệp Việt Nam. Việc thực hiện các hiệp định kinh tế đó cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức, ngay cả với thị trường trong nước. Nhưng rõ ràng là doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng theo luật chơi quốc tế nếu như có một chiến lược, tầm nhìn phát triển đón đầu được xu thế, gia tăng hàm lượng trí tuệ và không ngừng đổi mới sáng tạo. Và tất nhiên, các cơ quan quản lý cũng không thể nằm ngoài quá trình đổi mới sáng tạo ấy.