Cho đến giờ có lẽ chưa có một sản phẩm mang thương hiệu Việt nào mà lại có màn ra mắt hoành tráng đến thế, nhất là với một sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao như ô tô, cho dù hai mẫu xe sedan Lux A2.0 và SUV Lux SA2.0 mới chỉ là bản concept (hàng mẫu) và để có sản phẩm thương mại phải mất ít nhất 1 năm nữa. Cái cách chọn Paris Motor Show, một triển lãm có bề dày 120 năm lịch sử và là một trong 5 triển lãm ô tô hàng đầu thế giới, để ra mắt cùng với một nhân vật nổi tiếng thế giới như cựu cầu thủ David Beckham, đã mang lại tiếng vang lớn về truyền thông không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Giải thưởng “Ngôi sao mới” được trao cho VinFast và sự quan tâm của báo chí thế giới cùng hàng triệu người Việt tại quê nhà là một minh chứng.
Bên cạnh sự thành công của chiến dịch truyền thông vốn luôn là yếu tố cộng hưởng với sự thành công của doanh nghiệp, thì khát vọng làm ô tô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn chạm đến giấc mơ của hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam. Dân gian từ lâu đã có những câu ví von về sự thành đạt kiểu “Một vợ, hai con, nhà ba lầu, xe bốn bánh” hay như việc lớn của đời người là “Làm nhà, cưới vợ, tậu xe”… Thế nhưng giá một phương tiện giao thông cá nhân hiện đại văn minh này lại đang cao gấp 3-4 lần ở các nước, vượt ra khỏi khả năng của nhiều gia đình. Ngành công nghiệp ô tô dù được nhiều ưu đãi về chính sách nhưng hơn 20 năm qua chưa thể phát triển. Bởi vậy, khi VinFast ra đời và đang dần hiện thực hóa lộ trình thần tốc đặt ra thì người tiêu dùng càng phấn khởi, cho dù mức giá các loại xe vẫn chưa được công bố.
Các chuyên gia quốc tế đã đánh giá VinFast có bước đi khôn ngoan khi mang đến cho người tiêu dùng một chiếc xe ô tô có bản sắc Việt - thiết kế Italy - công nghệ Đức – tiêu chuẩn quốc tế. Rõ ràng là người Việt Nam tự hào với hàng Việt Nam nhưng điều đó là chưa đủ để thuyết phục khách hàng bỏ tiền mua sản phẩm. Chất lượng, sự ổn định và dịch vụ hậu mãi là điều phải được kiểm chứng sau một thời gian. Chưa kể để từ bản xe mẫu đến lúc thành sản phẩm thương mại còn là một quá trình vô cùng gian nan khi mà ngành công nghiệp phụ trợ trong nước không thể đáp ứng được mong muốn nâng tỷ lệ nội địa hóa ô tô. Bởi vậy, cách làm “đi tắt đón đầu” mua bản quyền công nghệ sản xuất ô tô tiên tiến và hợp tác với các đối tác tầm cỡ thế giới, mời những lãnh đạo các tập đoàn sản xuất hàng đầu về làm việc… của VinFast không chỉ khắc phục được điểm yếu của ngành ô tô trong nước mà còn giải tỏa được phần nào tâm lý e ngại về chất lượng sản phẩm. Trên diện tích 335 ha ở ven biển Cát Hải, Hải Phòng, một tổ hợp nhà máy đang gấp rút hoàn thành với nhiều phân xưởng có dây chuyền sản xuất tự động hóa bằng hàng trăm con robot. Với tiềm lực và kinh nghiệm quản trị công ty, đại diện tập đoàn Vingroup đã từng khẳng định sẽ sản xuất những chiếc xe đóng cửa “phập, phập” chứ không phải “phạch, phạch” – một dẫn chứng điển hình cho những lời phàn nàn về xe lắp ráp trong nước lâu nay. Và tham vọng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong một lần chia sẻ hiếm hoi với báo giới là không chỉ sản xuất ô tô cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài với điểm đến đầu tiên là khu vực Đông Âu, như một lời tuyên bố về lòng tự tôn dân tộc Việt Nam ở nơi ông khởi nghiệp.
Sự ra đời của VinFast cùng với THACO Trường Hải và Huyndai Thành Công đang được kỳ vọng là những trụ cột để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô, mang lại nhiều việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Những chiếc ô tô thương hiệu Việt có thành danh hay không còn đang ở tương lai. Nhưng dư luận lúc này đã cần phải cảnh giác trước những “giả thuyết” vô căn cứ kiểu như mượn cớ xây nhà máy để gom đất làm bất động sản, hay nguồn vốn bí ẩn từ nước ngoài rót vào… Doanh nghiệp gây dựng niềm tin với công chúng bằng những việc làm cụ thể, bằng thông tin minh bạch trên thị trường chứng khoán… thì không có lý do gì để những “thuyết âm mưu” lan truyền trên mạng xã hội.