Xây dựng Đảng: Cán bộ - Cái gốc của mọi công việc

Hầu hết những cán bộ chân chính khi quản lý một cơ quan, đơn vị đều có chung than phiền: Bộ máy vừa thừa vừa thiếu, vừa thiếu vừa yếu; thừa người hưởng lương nhưng lại rất thiếu người làm việc, biết việc.

Mới đây, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật và cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, khi nói về chuyện tinh giản biên chế, ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) cho rằng, chỉ cần cho ông tuyển 5 người cũng làm hết việc của 25 người. Và ông nói thêm: “Với điều kiện để tôi chỉ huy công việc. Văn phòng bây giờ có đến 25 người đều của thế hệ trước để lại”.

Chắc hẳn nhiều người đồng tình với ý kiến của ông Lê Anh. Câu nói của ông cũng phản ánh một thực trạng về năng lực cán bộ và công tác cán bộ bấy lâu nay, điểm mấu chốt khiến bộ máy cồng kềnh, công việc không chạy.

Tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” được phản ánh khá nhiều trên báo chí và cũng không ít lần được Quốc hội đưa ra bàn thảo. Vấn đề tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước cũng được triển khai không ít lần nhưng hình như càng tinh giản thì biên chế lại càng… phình ra. Gần đây, tình trạng “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan” hay “lạm phát cấp phó”, "quan nhiều hơn lính"… được phản ánh cho thấy, công tác cán bộ đang bị làm cho méo mó với những biến tướng nguy hiểm.

Hầu hết những cán bộ chân chính khi quản lý một cơ quan, đơn vị đều có chung than phiền: Bộ máy vừa thừa vừa thiếu, vừa thiếu vừa yếu; thừa người hưởng lương nhưng lại rất thiếu người làm việc, biết việc.

Thiếu người làm việc tốt ắt dẫn đến công việc trì trệ, công việc trì trệ ắt ảnh hưởng đến việc triển khai, thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch, và trực tiếp ảnh hưởng đến từng người dân, doanh nghiệp… Điều đó tất yếu kìm hãm, thậm chí kéo lùi sự phát triển kinh tế - xã hội.

Một bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả còn là gánh nặng cho ngân sách. Ngân sách thiếu trước hụt sau, chỉ xoay trần ra để lo trả lương cho bộ máy khổng lồ mà trong đó không biết có bao nhiêu phần trăm nhân sự “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” thì còn đâu nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Một bộ máy 25 người mà chỉ làm công việc của 5 người thì không thể trả lương xứng đáng cho những người làm việc tốt. Cộng với một tổ chức “thừa người chơi, thiếu người làm” sẽ phát sinh những tệ nạn chốn quan trường: Nhũng nhiễu, tham ô, tham nhũng; sự đố kỵ, ghen ghét, bè phái, cục bộ, chạy chức chạy quyền… mà tình trạng cả nhà làm quan, cả họ làm quan hay lạm phát cấp phó chỉ là một trong những hệ quả không tránh khỏi.

Một bộ máy như thế sẽ chiếm hết chỗ của những người có tài, có tâm, có đức thực sự; và theo vòng xoáy trôn ốc ngược, sẽ ngày càng suy yếu, tha hóa… Và, chính điều đó lại giải thích một phần lý do tại sao càng kêu gọi tinh giản biên chế thì bộ máy càng phình ra.

Một tổ chức theo mô hình cả nhà, cả họ làm quan, một cơ quan với 46 người mà có đến 44 cán bộ lãnh đạo… thì thử hỏi sẽ phục vụ cho lợi ích của ai? và còn tinh giản được ai? Một bộ máy như thế sẽ dần xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng, dần xa rời lợi ích của nhân dân, của đất nước, của dân tộc.

Sự lỏng lẻo trong công tác cán bộ cũng để lại hậu quả lâu dài và nghiêm trọng. Nhưng nguyên nhân không phải từ bên ngoài, cái lỗi không phải do cơ chế, cũng chẳng phải do quy trình như một số người ngụy biện, mà chính là ở cán bộ.


Cách đây 70 năm, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Bác cũng nói về phẩm chất và năng lực cán bộ: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Vì vậy, mọi việc đều phải bắt đầu từ công tác cán bộ với những con người hết sức cụ thể. Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã xác định rõ quan điểm: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa ‘xây’ và ‘chống’; ‘xây’ là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; ‘chống’ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. “Căn bệnh” trong công tác cán bộ như nói ở trên thực chất là “nội thương”, vì thế không thể bôi thuốc đỏ ngoài da mà chữa trị được. Do đó, nếu phải phẫu thuật thì dù có đau cũng là điều cần thiết.

Đồng thời, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng khẳng định mục tiêu: “Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân”.

Làm tốt công tác cán bộ, xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có đức vừa có tài, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cán bộ đảng viên thực sự tiền phong gương mẫu… chính là hành động thiết thực củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, “tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 vừa qua.

Bùi Văn Doanh (TTXVN)
Xử lý đến nơi đến chốn nạn 'cả nhà làm quan'
Xử lý đến nơi đến chốn nạn 'cả nhà làm quan'

Dư luận cán bộ, đảng viên và người dân đồng tình với việc công khai sai phạm liên quan đến công tác cán bộ. Người dân cũng mong muốn, các cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra, kiểm tra công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở tất cả các cơ quan, đơn vị để kịp thời chấn chỉnh hiện tượng "cả nhà làm quan".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN