Những chiếc xe máy cũ nát chở cồng kềnh và xả khói mù mịt hiện vẫn là một thứ “đặc sản” của giao thông ở các thành phố lớn, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hằng ngày, tiếng nẹt pô “pạch pạch” và mùi khói xả khét lẹt của chúng vẫn len lỏi giữa những dòng xe cộ chen chúc, len vào mọi ngóc ngách phố phường, gây không ít khó chịu đối với người tham gia giao thông, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
Xe máy “phế liệu” đã trở thành “cái gai” trong mắt các nhà quản lý đô thị, nhưng việc nhổ bỏ chúng đến nay vẫn bế tắc. Nguyên nhân là do xe máy cũ nát gắn liền với người lao động nghèo, là phương tiện mưu sinh, là miếng cơm manh áo hằng ngày của họ và gia đình, và như vậy là vấn đề nhân văn. Hơn thế, trước nay cũng chưa có bất cứ quy định nào về niên hạn của xe máy - bao nhiêu năm thì hết hạn sử dụng, nên cũng khó xử theo luật.
Mới đây, câu chuyện xử lý xe máy cũ lại được xới lên khi Hà Nội đề xuất thí điểm hỗ trợ đổi xe cũ. Có không ít ý kiến ủng hộ, cho rằng đây là một đề xuất mang tính đột phá trong bối cảnh Hà Nội đã “nâng lên đặt xuống” nhiều lần việc thu hồi xe máy cũ nhưng đều đi vào ngõ cụt; đồng thời, đây cũng là một giải pháp hiệu quả tức thời cho bài toán giảm lượng khí thải gây ô nhiễm vốn đang ngày một trở nên cấp bách ở những đô thị lớn. Đề xuất hỗ trợ đổi xe cũ có tính khuyến khích cao chứ không phải là kiểu thu giữ, thu hồi một cách áp đặt.
Theo đó, với mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội giao Sở chủ trì chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”. Thời gian triển khai chương trình dự kiến trong 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12/2020, với khoảng 5.000 mô tô, xe máy được đo kiểm khí thải.
Theo chương trình này, Hà Nội sẽ lựa chọn 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông. Trường hợp người dân mang xe máy cũ (trên 18 năm tuổi) đến các địa điểm quy định để đo kiểm về khí thải, nếu xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải sẽ được hỗ trợ với các cơ chế khác nhau. Nếu người dân muốn đổi xe máy sẽ hỗ trợ kinh phí 2 - 4 triệu đồng/trường hợp. Hoặc người dân đưa xe đến kiểm tra khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300.000 đồng.
Lối thoát cho xe máy cũ đã được hé mở. Tuy vậy, ở chiều ngược lại, cũng có nhiều dấu hỏi đặt ra xung quanh tính khả thi của đề xuất này.
Đầu tiên, tâm lý chung của chủ sở hữu phương tiện là không nhất thiết phải sử dụng xe mới vào mục đích chở hàng hay chạy chợ mưu sinh, thay vào đó họ lựa chọn xe cũ rẻ tiền mà vẫn hiệu quả. Xe mới mà dầm mưa dãi nắng “thồ” hàng một thời gian thì rồi cũng sớm trở thành “phế liệu”. Đặc biệt, với đồng tiền nhọc nhằn kiếm được, liệu chủ xe có chấp nhận khoản hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng và phải bù vào đó không dưới 10 triệu đồng để đổi lấy một chiếc xe mới?
Hơn thế, dấu hỏi lớn nhất của đề xuất này là vấn đề kinh phí. Theo đề xuất, dự kiến có hai nguồn kinh phí. Thứ nhất, Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt tại 8 địa điểm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe... Thứ hai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì các hoạt động tuyên truyền, với kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2020. Như vậy, giả sử được triển khai một cách toàn diện, Hà Nội cần hơn 10.000 tỷ đồng để đổi hết khoảng 2,5 triệu xe máy đăng ký trước năm 2000 trong tổng số hơn 5,7 triệu xe máy hiện nay trên địa bàn. Nói cách khác, đây là một đề xuất tốn kém và vì thế không có hiệu ứng tốt trong dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, đề xuất hỗ trợ đổi xe máy cũ dường như cũng mâu thuẫn với chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, trong đó có lộ trình phân vùng hạn chế xe máy, theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về việc “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn 2030”.
Suy cho cùng, mấu chốt của vấn đề là kiểm soát lượng khí thải và từng bước giảm số lượng xe máy cũ, thay vì “đổi xe cũ” để tiếp tục thả nổi số lượng xe cá nhân ở đô thị. Do vậy, ngành chức năng cần xây dựng lộ trình phù hợp, tiến tới thu hồi, loại bỏ phương tiện “quá đát”. Mặt khác, tiếp tục phát triển phương tiện giao thông công cộng như là cứu cánh của bài toán giao thông và môi trường bền vững ở đô thị.