Phát biểu khai mạc, bà Trần Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết: Bình Định nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Trung Bộ, hàng năm, mức luân chuyển hàng hóa hơn 12%. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp thời gian qua, nên đã ảnh hưởng nhiều đến việc luân chuyển hàng hóa. Do vậy, việc tổ chức Hội nghị này nhằm giúp tỉnh đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa với thị trường lớn là Hà Nội, qua đó tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa, nông sản tại thị trường Thủ đô.
Từ điểm cầu Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội đã giới thiệu tổng thể về nhu cầu của thị trường Hà Nội; định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội.
Với hơn 10 triệu dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, cùng một số lượng lớn người dân thường xuyên đến học tập, làm việc thời vụ, Hà Nội đã, đang và sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước, có khả năng tập trung, phát luồng hàng hóa tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu.
Về hạ tầng thương mại, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 28 trung tâm thương mại (TTTM); 123 siêu thị; 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng với đó là các kênh bán hàng đa phương tiện như bán hàng qua website, hotline, app…với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.
Khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn Thành phố hiện chưa đủ để phục vụ nhân dân (gạo đáp ứng khoảng 35% nhu cầu; thịt bò đáp ứng 15%; thủy hải sản đáp ứng 5%; thực phẩm chế biến đáp ứng 25%; rau củ đáp ứng 65%; hoa quả đáp ứng 35%..., thịt lợn, thịt gà cơ bản đáp ứng đủ trong điều kiện bình thường nhưng vẫn phải khai thác thêm từ các tỉnh); nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân trong sẽ trở nên sôi động, tăng từ 3% - 20% theo từng nhóm hàng trong những tháng giáp Tết Nhâm Dần. Nhu cầu tiêu thụ về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, chất lượng ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân Thành phố ngày càng khắt khe, yêu cầu cao hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, lượng hàng hóa còn thiếu được doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm... kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố thông qua hoạt động giới thiệu kết nối nguồn hàng nông, lâm, thủy sản, trái cây an toàn từ các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Lào Cai, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp…
Đặc biệt đẩy mạnh kết nối sản phẩm mùa vụ, có khó khăn trong tiêu thụ; kết nối sản phẩm thuộc chuỗi rau, thịt an toàn của 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong 10 tháng năm 2021, kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố trên 220.000 tấn. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, Thành phố đã được kết nối đưa vào 35 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của Thành phố Hà Nội; các đơn vị đẩy mạnh bán hàng hóa thiết yếu qua các website thương mại điện tử, hotline doanh nghiệp...
"Thông qua các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn, các doanh nghiệp phân phối Hà Nội hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã các tỉnh, thành phố về quy trình, thủ tục, chất lượng, mẫu mã, bao gói... đưa hàng vào kênh phân phối để hàng hóa các tỉnh được kết nối, tiêu thụ thuận lợi trên địa bàn Thành phố; đồng thời các nhà cung cấp, nhà bán lẻ nhận định xu hướng tiêu của người tiêu dùng Thủ đô chuộng hàng hóa trong nước sản xuất với chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo, ưu tiên lựa chọn là những sản phẩm có thương hiệu các địa phương, sẵn sàng chấp nhận mức giá bán cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường, đây là cơ hội để các nhà cung cấp nông lâm thủy sản an toàn các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội.
Với tinh thần “ Hà Nội với cả nước, cùng cả nước”, Thành phố Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản phẩm, đặc biệt nông lâm, thủy sản, trái cây an toàn của các tỉnh, thành phố trong việc quảng bá, kết nối- tiêu thụ và lưu thông trên địa bàn Hà Nội bằng nhiều hình thức, để sản phẩm các tỉnh, thành phố có thể tiêu thụ được ở mức cao nhất tại thị trường Hà Nội, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết giữa các bên tham gia", bà Nguyễn Thị Mai Anh nhấn mạnh.
Nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối- tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn các tỉnh, thành phố tại thị trường Hà Nội, thành phố Hà Nội, vừa qua, Trung tâm đã tiếp tục triển khai khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID- 19 trên địa bàn Thành phố như: Hội chợ đặc sản Vùng miền Việt Nam, Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP tiếp cận trực tiếp hệ thống phân phối trong và ngoài nước; Tổ chức các Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh tại Hà Nội; tổ chức Điểm bán sản phẩm các tỉnh tại các quận nội thành; thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, đơn vị các tỉnh, thành phố tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm các sản phẩm nông sản trên địa bàn; các hoạt động giới thiệu nguồn cung sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn đến các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội...
"Thông qua các chương trình, thành phố Hà Nội luôn sẵn sàng hỗ trợ kết nối- tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn từ các tỉnh, thành phố, đồng thời đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản an toàn đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, tích cực đồng hành cùng với thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia hoạt động quảng bá, kết nối- tiêu thụ sản phẩm của địa phương trên địa bàn Hà Nội và cả nước", bà Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ.
Cũng tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Cùng với chợ truyền thống, kết nối trên sàn thương mại điện tử đang là xu hướng chính, nhất là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Do đó, việc kết nối 6 tỉnh, thành sẽ tạo điều kiện kết nối cung cầu hàng hóa trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Cũng tại hội nghị, các tỉnh tham gia chương trình đã giới thiệu các đặc sản, thế mạnh của địa phương. Vĩnh Long là tỉnh thuộc hạ lưu sông Mê Kông, nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và ở trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vĩnh Long được biết đến không chỉ đờn ca tài tử mà còn nổi tiếng với những miệt vườn trái cây trĩu quả.
Còn nói đến Đến Sóc Trăng là nói đến “vua gạo”, nơi được vinh danh gạo thơm ngon nhất Thế giới, vùng đất sản sinh rất nhiều sản phẩm đặc trưng như: bánh pía, mè láo, các loại lạp xưởng thịt, tôm, cá và các loại trái cây miệt vườn … đậm đà sắc thái vùng sông nước miền Tây.
Hậu Giang là vùng đất với những hình ảnh bình yên mà thật đẹp, sức hấp dẫn của Hậu Giang là từ những cái nhìn, những hành động bình dị trong đời sống thường ngày của người địa phương nhưng lại mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc cũng như nét độc đáo mà thiên nhiên ban tặng nơi đây. Hậu Giang có các làng nghề truyền thống đa dạng và phong phú, thể hiện những nét văn hoá đặc sắc của vùng đất, con người. Đặc sản về cây ăn trái của Hậu Giang cũng được nhiều người ưa chuộng như khóm Cầu Đúc, bưởi Phú Hữu, quýt đường Long Trị....Ngoài ra, tỉnh còn có đặc sản về thủy sản, cá thác lác Vị Thanh.
Tây Ninh là tỉnh biên giới thuộc miền Đông Nam Bộ, được xem là một tỉnh giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đây không chỉ là một đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, du lịch, thương mại giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông.
Theo Viện nghiên cứu CapGemini, trước đại dịch COVID-19, 59% người tiêu dùng trên toàn thế giới thường xuyên mua sắm tại các cơ sở bán hàng truyền thống giờ đây chỉ còn 24% số đó có thể sẽ quay lại mức độ tương tác nêu trên khi đại dịch kết thúc. Ngoài ra, hơn 50% người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cũng mua sắm trực tuyến từ nước ngoài - khiến doanh thu trực tuyến trở thành yếu tố quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Theo “Sách trắng Thương mại điện tử” Việt Nam năm 2021 (ấn phẩm của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020. Dịch COVID-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc đã góp phần đáng kể khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm hơn đến mua sắm trực tuyến. Do đó, đây là xu hướng và được các doanh nghiệp thương mại điện tử như sàn Sendo, Voso giới thiệu về sản phẩm trên sàn thương mại điện tử
Tại hội nghị trực tuyến, hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà phân phố tại các điểm cầu Bình Định, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng các DN,HTX, cơ sở sản xuất đã đăng ký kết nối hợp tác cung cầu hàng hóa của doanh nghiệp giữa các địa phương với hệ thống siêu thị, nhà phân phối trên địa bàn Thành phố Hà Nội.