Triển lãm nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang và những đóng góp to lớn của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống anh hùng của Thủ đô ngàn năm văn hiến, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Triển lãm giới thiệu tới công chúng 80 bức ảnh sinh động, là những thước phim tư liệu quý giá ghi lại những thời khắc lịch sử, những cột mốc đáng nhớ và thành tựu rực rỡ của Hà Nội sau 70 năm giải phóng. Qua đó, công chúng có thể cảm nhận rõ nét một Hà Nội anh hùng và hào hoa, một Hà Nội bứt phá và giàu bản sắc văn hóa, một Hà Nội vươn mình hội nhập với khu vực và thế giới…
Tại triển lãm, Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi chia sẻ, nếu như ở lần tổ chức đầu tiên năm 2000, Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” có quy mô nhỏ, chỉ như “cuộc chơi” của những nghệ sĩ nhiếp ảnh cao tuổi thì đến nay, trải qua 19 năm, triển lãm đã trở thành sự kiện văn hóa thường niên nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh, đồng nghiệp báo chí và công chúng đến với triển lãm ngày càng đông hơn. Điều đó thể hiện chất lượng tác phẩm đã gây chú ý, tạo nên thương hiệu cho “Hà Nội trong tôi”.
Triển lãm được chia làm 3 phần: Phần 1 có chủ đề “Hà Nội - Thủ đô anh hùng”; phần 2 “Hà Nội trên đường đổi mới” và phần 3 “Hà Nội bứt phá hôm nay”. Trong đó, phần 1 gồm những hình ảnh tư liệu ghi lại những năm tháng hào hùng, những mốc son lịch sử của Hà Nội kể từ thời điểm giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954 đến năm 1975. Đó là những tác phẩm như: “Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô”; “Ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô”; “Nụ cười chiến thắng”…
Phần 2 của triển lãm tập trung vào giai đoạn từ 1975 - 2008 (thời điểm trước khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII). Đó là những hình ảnh hân hoan, phấn khởi của lễ mít tinh chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại quảng trường Cách mạng tháng Tám ngày 1/5/1975; là khung cảnh bình yên đẹp như tranh vẽ của Hồ Gươm năm 1976 hay các tác phẩm “Khánh thành đoàn tàu thống nhất Bắc - Nam tại Ga Hà Nội, năm 1976” của tác giả Văn Phúc; “Nhân dân xã Tòng Bạt (Bất Bạt) tiễn bà con đi lập vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng năm 1976” của tác giả Trịnh Hải; “Các cháu thiếu nhi vào thăm nhà sàn của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, năm 1977” của tác giả Hữu Nền…
Phần 3 là hình ảnh về Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại ngày hôm nay. Với những tác phẩm như “Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại”; “Hà Nội lung linh về đêm”; “Hà Nội định hướng phát triển trở thành đô thị Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”… các tác giả Ngọc Tú, Bích Hời, Hùng Thập giúp công chúng có thể hình dung, ngắm nhìn sự phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc của thành phố Hà Nội hôm nay; quá trình đô thị hóa; các dự án khu đô thị; các dự án giao thông trọng điểm (cầu Nhật Tân, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội)…
Triển lãm được diễn ra đến ngày 10/10 tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sau đó các bức ảnh sẽ tiếp tục được trưng bày tại Ga Cát Linh - nơi có điểm giới thiệu hệ sinh thái của Báo Kinh tế và Đô thị.