Đây chính là điểm độc đáo và cũng là điểm nhấn kiến trúc của cầu Trần Trưng Hưng Đạo vừa được cơ quan liên quan chốt phương án kiến trúc sau nhiều tháng tổ chức thi thiết kế mẫu cây cầu mang tên người anh hùng dân tộc.
Theo phương án được duyệt, cầu Trần Hưng Đạo có hai chiều, mỗi chiều hai làn xe cơ giới và một làn xe hỗn hợp. Đầu cầu có đường lên xuống cho người đi bộ. Phần đường dành cho người đi bộ nằm ngoài vành vòm của cầu. Cùng đó, tại trụ cầu có các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kiến trúc. Hai đầu cầu có công viên phục vụ người dân vui chơi, giải trí.
Cầu Trần Hưng Đạo có 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5 km. Riêng thân cầu dài 900 m. Cầu sẽ chạy qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.
Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, phương án kiến trúc của cầu Trần Hưng Đạo được lấy cảm hứng từ sự giao thoa giữa Hà Nội cổ kính và Hà Nội hiện đại hai bên bờ sông Hồng thông qua hình ảnh những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu, tạo nên những vòng kết nối.
Với kiến trúc như vậy, đơn vị thiết kế cầu Trần Hưng Đạo đã đoạt giải Nhất, trên tổng số 20 phương án thi tuyển cuộc thi tuyển chọn kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức cuối năm 2021.
Sau khi phương án kiến trúc được duyệt, dự kiến cầu Trần Hưng Đạo được thực hiện thi công, hoàn thành vào khoảng năm 2025. Tổng mức đầu tư khái toán khoảng 8.700 tỷ đồng. Khi cầu Trần Hưng Đạo được xây dựng, sẽ góp phần làm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông tại hai cầu Vĩnh Tuy và Chương Dương, thúc đẩy kinh tế xã hội Thủ đô phát triển.