Đa dạng đối tượng tiếp nhận kiến thức chống “giặc hỏa”
Ngay những ngày đầu năm mới 2024, Công an huyện Gia Lâm cử cán bộ, chiến sỹ có nhiều kinh nghiệm trong chỉ huy, tham gia chiến đấu với “giặc lửa” đến nhiều trường học trên địa bàn trao đổi, đưa ra thông tin một số vụ cháy, hình ảnh thể hiện sự nguy hiểm, thiệt hại do cháy, nổ gây ra cho hàng trăm học sinh.
Công an huyện tuyên truyền sinh động về những nguyên nhân có thể gây ra cháy, nổ từ sơ xuất, bất cẩn trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người như, đun nấu, trẻ em nghịch lửa, quên tắt thiết bị điện hay để đồ dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt… giúp học sinh dễ nắm bắt.
Em Nguyễn Xuân Bách, Trường Trung học Cơ sở thị trấn Trâu Quỳ cho biết, buổi tuyên truyền như một buổi sinh hoạt ngoại khóa, tạo hứng thú cho học sinh. Không chỉ học “chay”, chúng em còn được thực hành kỹ năng cúi thấp, dùng khăn ẩm hoặc tay bảo vệ đường hô hấp, một số cách di chuyển nạn nhân… và sử dụng bình chữa cháy, dập tắt đám cháy giả định tại khay xăng, bình gas.
Việc trang bị kiến thức lý thuyết kèm thực hành rất rất bổ ích, giúp chúng em tự bảo vệ mình và người thân, không chủ quan trước hỏa hoạn, em Nguyễn Xuân Bách chia sẻ.
Theo lãnh đạo Công an huyện Gia Lâm, với đối tượng trẻ em, học sinh, công tác tuyên truyền rất quan trọng, giúp các em định hình sớm tư duy về sự an toàn và luôn để ý tới nguy cơ xảy ra tai nạn như cháy, nổ, đuối nước, an toàn giao thông… từ đó có sự phòng tránh.
Thông qua tuyên truyền, Công an huyện mong muốn, học sinh luôn quan tâm tới công tác phòng cháy, chữa cháy cho bản thân, người thân, gia đình, có kỹ năng thoát nạn, xử lý đám cháy kịp thời, hiệu quả khi không may có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh ngay từ khi còn trên ghế nhà trường là một trong những giải pháp chiến lược dài hạn trong việc đẩy mạnh xây dựng phong trào “Toàn dân phòng cháy, chữa cháy”. Để làm được điều đó, việc tuyên truyền, giáo dục cho lứa tuổi học sinh là vô cùng quan trọng, bởi đối tượng này có sức ảnh hưởng lớn đối với mỗi gia đình, toàn xã hội.
Vì vậy, Công an quận Hà Đông triển khai nhiều biện pháp, hình thức phong phú đưa kỹ năng, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tới người dân. Nổi bật là phổ cập kiến thức phòng cháy, chữa cháy trong chương trình giảng dạy chính khóa tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận.
Một tháng qua, Công an quận tập huấn cho 506 thầy cô trong Ban Giám hiệu các trường. Từ đó, các trường xây dựng phương án về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chuẩn bị bài giảng cho học sinh, bố trí đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm đúng độ tuổi, phù hợp thực tế. Quận Hà Đông đồng loạt đưa vào giảng dạy kiến thức phòng cháy vào giờ học chính khóa và ngoại khóa tại tất cả trường trên địa bàn quận theo hướng dẫn.
Tạo chuyển biến về nhận thức
Không chỉ trẻ em, học sinh mà người lớn, cán bộ, công chức tại Hà Nội được trang bị kiến thức về phòng cháy, chữa cháy. Ngày 8/1, Công an huyện Mỹ Đức tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức.
Qua đó, tạo chuyển biến về nhận thức cho cho các y, bác sỹ, nhân viên bệnh viện cách nhận biết, phân loại, bảo quản và thao tác sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ như, bình chữa cháy xách tay, chăn chiên… Đồng thời, lực lượng chức năng hướng dẫn học viên cách di chuyển, thoát nạn và cứu người mắc kẹt trong đám cháy thoát ra ngoài an toàn…
Quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 20/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới”, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng triển khai mạnh mẽ công tác phòng cháy, chữa cháy cho các khu dân cư.
Mới đây, phường tổ chức thành công buổi tập huấn tuyên truyền kỹ năng, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, kỹ năng thoát nạn cho hơn 350 hộ dân có nhà cho thuê trọ, hộ gia đình ở kết hợp kinh doanh dịch vụ, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở giáo dục mầm non, trung tâm tổ chức sự kiện trên địa bàn. Phường tổ chức diễn tập chữa cháy cho nhiều đối tượng, mua sắm trang thiết bị chữa cháy cho 21 tổ dân phố trên địa bàn, đảm bảo điều kiện chữa cháy “4 tại chỗ”.
Theo ông Lê Hoàng Đức, Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn, phường xác định công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Công tác phòng cháy đã được đưa vào nghị quyết hằng quý, hằng năm của Đảng ủy và các Chi bộ.
Phường định kỳ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để kịp thời chỉ đạo xử lý các sai phạm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn phường.
Ông Lê Hoàng Đức cho biết thêm, do tính chất quan trọng nên phường xác định lấy kết quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một nội dung quan trọng trong đánh giá kết quả hằng năm đối với tổ chức Đảng, đảng viên trên địa bàn.
Ở quy mô lớn hơn, ngoài tuyên truyền, quận Tây Hồ diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp thành phố tại "chung cư mini" trong ngõ sâu để các lực lượng, người dân có điều kiện tác chiến sát thật hơn. Qua tình huống, Công an thành phố và UBND quận Tây Hồ cũng “test” lại sự phối hợp giữa lực lượng chuyên nghiệp với Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy cơ sở, trong tận dụng “thời điểm vàng” chữa cháy với tinh thần cứu người dân bằng mọi giá.
Qua theo dõi, thời gian gần đây, người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tại thành phố có nhận thức tốt hơn trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Để duy trì điều này, theo Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, thời gian tới, Công an thành phố tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, cơ quan, đoàn thể nhằm triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Lực lượng Công an đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy về chiều rộng và chiều sâu, thực chất hơn, mang lại kết quả tích cực, góp phần bảo đảm sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân.