Công đoàn Hà Nội chăm lo, hỗ trợ gần 80.000 đoàn viên, người lao động 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động để đảm bảo công tác an toàn phòng dịch theo quy định “3 tại chỗ”, “Một cung đường, hai điểm đến”.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng trao quà hỗ trợ cho người lao động. Ảnh: TTXVN phát

Một số doanh nghiệp đã phải sắp xếp lại phương án sản xuất và phương án lao động, một số doanh nghiệp không đủ điều kiện để sản xuất, dẫn đến người lao động thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, tinh thần của người lao động. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là công nhân lao động đang thuê trọ ở các khu nhà trọ trong các khu vực bị phong tỏa, cách ly, người lao động trong các doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, cơ sở giáo dục ngoài công lập, lao động tự do... 

Theo báo cáo của 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và các Công đoàn cơ sở, hiện nay, có 409 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động; 1.677 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động; 18.237 công nhân mất việc làm; 61.614 công nhân lao động thiếu việc làm.

Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, trong đó có sự tham gia tích cực và hiệu quả của tổ chức Công đoàn, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Hà Nội vẫn ổn định, không có hiện tượng đình công, ngừng việc tập thể. Nhìn chung, đại đa số công nhân lao động nhận thức đúng đắn và chia sẻ với những khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch; yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn. 

Thời gian qua đã có rất nhiều công nhân lao động khó khăn trong các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 nhận được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp của tổ chức Công đoàn thông qua các Chương trình: “Xe buýt Siêu thị 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Túi An sinh Công đoàn”. 

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số /NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, các cấp Công đoàn đã tăng cường phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. 

Tính đến ngày 26/8/2021, thành phố đã chi hỗ trợ hỗ trợ 1.549 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với số tiền hỗ trợ là 6,54 tỷ đồng; hỗ trợ 17 người lao động ngừng việc với số tiền là 26 triệu đồng; Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay 10,073 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 2.279 lao động phải ngừng việc; Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 88.253 đơn vị, doanh nghiệp, với 1.477 triệu lao động, kinh phí 101,252 tỷ đồng; tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 42 đơn vị, doanh nghiệp, với 3.440 lao động, tổng số tiền 24.147 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến trao quà hỗ trợ cho công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam. Ảnh: TTXVN phát

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, đến nay, các cấp Công đoàn đã chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu và ủng hộ “Quỹ vaccine” và “Quỹ phòng, chống dịch COVID-19” của thành phố Hà Nội tổng số tiền là 56 tỷ 125,983 triệu đồng cho 79.129 đoàn viên, người lao động và 2.090 doanh nghiệp có “Tổ An toàn COVID-19”. Từ ngày 27/4/2021 đến nay, các cấp Công đoàn Thủ đô đã vận động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu và hỗ trợ công nhân trong các khu cách ly tập trung, ủng hộ “Quỹ vaccine” và “Quỹ phòng, chống dịch COVID-19” của thành phố Hà Nội với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng. Đến ngày 26/8/2021, đã có 83.070 công nhân trong các khu công nghiệp và chế xuất  được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Đáng chú ý, thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, nhiều Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi tập trung đông công nhân trong các khu nhà trọ, các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân lao động đã phối hợp với chính quyền, công an địa phương rà soát và tuyên truyền vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cụ thể, tại huyện Đông Anh, đã có trên 1.300 chủ nhà trọ trên địa bàn các xã Kim Chung, Hải Bối, Đại Mạch, Võng La quyết định giảm giá thuê trọ cho trên 9.000 phòng trọ, với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng, mỗi phòng được giảm ít nhất 50%, thậm chí giảm 100% giá thuê phòng cho người lao động; tại thôn Xuân Bách (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn), trong thời gian giãn cách xã hội, người lao động vẫn đi làm bình thường và các chủ nhà trọ đã hỗ trợ giảm mức tiền thuê phòng trọ từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/người; chủ nhà trọ đồng ý giảm giá phòng trọ khi có người lao động bị nghỉ chờ việc hoặc phải nghỉ luân phiên. Ngoài ra, có 11 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã có các hình thức hỗ trợ công nhân ở tập trung trong các khu nhà ở, khu nhà lưu trú của doanh nghiệp. Tại huyện Mê Linh, 17 Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân thị trấn Chi Đông và thị trấn Quang Minh vận động nhiều chủ nhà trọ đã giảm tiền thuê nhà cho người lao động với mức thấp từ 20% - 50%; một số chủ nhà trọ đã hỗ trợ công nhân bằng tiền mặt, nhu yếu phẩm thiết yếu cùng chia sẻ khó khăn với người lao động.

Ngoài ra, còn có rất nhiều Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức hỗ trợ người lao động bằng nhiều hình thức linh hoạt như phối hợp với chính quyền địa phương vận động các chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước…cho người lao động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, góp phần kịp thời động viên tinh thần người lao động như: Liên đoàn Lao động quận Tây Hồ, huyện Gia Lâm, Chương Mỹ…

Cũng theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn, đến nay, đã có 615 điểm “Vùng xanh doanh nghiệp” được chính quyền địa phương phê duyệt phương án hoạt động. Toàn thành phố đã có 4.320 doanh nghiệp thành lập “Tổ An toàn COVID-19” với 11.485 Tổ và 50.534 người tham gia.

Có thể thấy, qua thực tế triển khai thực hiện, sự tham gia của tổ chức Công đoàn với mô hình hoạt động của các “Tổ An toàn COVID-19” trong doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, khẳng định vị trí, vai trò hết sức to lớn trong việc chăm lo, bảo vệ người lao động; từ đó góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động và phát triển sản xuất kinh doanh trong mỗi doanh nghiệp.

Minh Nghĩa (TTXVN)
Nhiều hình thức hỗ trợ sinh viên tại Hà Nội gặp khó khăn do dịch bệnh
Nhiều hình thức hỗ trợ sinh viên tại Hà Nội gặp khó khăn do dịch bệnh

Tính đến hết ngày 27/8/2021, Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đã trao tặng được hơn 15.000 suất quà cho sinh viên gặp khó khăn trên địa bàn, với tổng giá trị hỗ trợ hơn 3,2 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn xã hội hóa. Đây là hoạt động thiết thực nằm trong chương trình “Tiếp sức sinh viên - Vượt qua COVID”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN