Ngày 23/5, tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc giải quyết một số khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý đất đai trên địa bàn Hà Nội, do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã đề xuất một số nội dung tồn tại về công tác quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố cần tháo gỡ. Trong đó, nội dung đề xuất tháo gỡ vướng mắc về giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh được dư luận đặc biệt quan tâm.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép huyện Mê Linh giao đất dịch vụ cho các hộ hoặc hỗ trợ khác (theo Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất) bằng 5 lần giá đất nông nghiệp tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ cho các hộ (trừ đi tiền bồi thường hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp trước đây các hộ đã nhận) đối với các dự án đang triển khai.
Đáng chú ý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và bộ, ngành liên quan tháo gỡ nhiều vướng mắc trong công tác quản lý đất đai như: Cơ chế đặc thù khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất; cho thuê đất đối với các dự án được hỗ trợ tiền thuê đất; công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về tổ chức bộ máy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị, không tổ chức Chi cục Quản lý đất đai trực thuộc sở như hiện nay mà sắp xếp thành lập 3 Phòng chuyên môn Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất, Đăng ký thống kê đất đai, Kinh tế đất, giảm đầu mối trung gian, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đảm bảo sự tập trung thông suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Sở Tài nguyên và Môi trường; phù hợp theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường của chính quyền đô thị thành phố Hà Nội theo hướng đô thị thông minh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố. Nhờ đó, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nổi bật. Cụ thể, công tác quản lý đất đai nói chung (giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, kiểm kê, xây dựng dữ liệu quản lý đất đai, giao đất dịch vụ, thanh tra, kiểm tra...) và công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nói riêng đã có những kết quả và chuyển biến tích cực, tạo điều kiện để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của thành phố nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ ra những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do thành phố đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, quy mô đô thị mở rộng, phát triển mạnh, áp lực về gia tăng dân số và cơ sở hạ tầng ngày càng lớn. Công tác quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên, môi trường chậm đổi mới; có lúc, có nơi, có việc bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực môi trường, đất đai còn bất cập, chồng chéo trong phân định trách nhiệm pháp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến việc khi thành phố tổ chức triển khai thực hiện còn gặp nhiều lúng túng hoặc để phù hợp tình hình của Thủ đô cần có những cơ chế đặc thù đối với một số nội dung công việc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ mong muốn thành phố Hà Nội cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành của trung ương cho ý kiến về những vướng mắc và những mặt chưa làm được; xem xét, tạo điều kiện về các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển về kinh tế, xã hội nói chung và lĩnh vực tài nguyên môi trường nói riêng trên địa bàn thành phố hiện tại cũng như các năm tiếp theo, hướng tới xây dựng Thủ đô và cả nước ngày càng văn minh, hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp.