Động lực để đô thị Hà Nội phát triển nhanh, bền vững

Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng quản lý và phát triển đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045 ban hành được kỳ vọng tạo bàn đạp giúp Hà Nội nhanh chóng phát triển đô thị bền vững trong tương lai gần.

Việc huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển đô thị tại Hà Nội đã nhanh chóng tạo nên diện mạo mới cho đô thị Thủ đô. Song thành phố cũng nhìn nhận, việc phát triển nhanh và chưa có kế hoạch cụ thể đã tạo ra một số hệ lụy như: Phát triển mất cân đối, thiếu đồng bộ, đầu tư dàn trải, không tập trung… Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng quản lý và phát triển đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045 ban hành được kỳ vọng tạo bàn đạp giúp Hà Nội nhanh chóng phát triển đô thị bền vững trong tương lai gần.

Chú thích ảnh
Khu vực quận Cầu Giấy Hà Nội là nơi có tốc độ đô thị cao với nhiều tòa nhà cao tầng hiện đại. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Tạo lập diện mạo đô thị mới

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội, quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm: Đô thị trung tâm là đô thị đặc biệt; Đô thị Hòa Lạc là đô thị loại II; Đô thị vệ tinh Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên là đô thị loại III; Tại 3 địa phương: Thị trấn Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn là đô thị loại IV; 11 thị trấn thuộc huyện là đô thị loại V. Mới đây, thành phố phê duyệt phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và quy hoạch phân khu sông Đuống, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng).

Nhìn vào đây có thể thấy, việc quy hoạch, phát triển đô thị ở Hà Nội đã phủ khắp nhằm phát triển đồng đều các vùng. Cùng với việc phủ quy hoạch, Hà Nội cũng phát triển đô thị mang tính chất điểm nhấn, dẫn dắt và kết nối vùng. Đơn cử tại phía Đông và Đông Bắc thành phố, gồm: Long Biên, Gia Lâm và Đông Anh, 2 năm trở lại đây đã là khu vực phát triển có tính đột phá.

Đã có một cuộc "đổ bộ" rầm rộ của các doanh nghiệp về các địa phương trên, mang theo các dự án trị giá hàng tỷ USD, từng bước xây đắp nên diện mạo hiện đại về một Hà Nội mới bên sông Hồng.

Tại huyện Gia Lâm (Hà Nội), từ vùng quê cánh đồng thẳng cánh cò bay nay đã "thay da đổi thịt" với nhiều dự án đô thị đã và đang được xây dựng tạo diện mạo mới cho phía Đông bờ sông Hồng. Đây là huyện có tốc độ phát triển đô thị nhanh và mạnh nhất Hà Nội.

Gia Lâm đã tạo thêm xung lực để các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đặc biệt là các tỉnh lân cận như Hưng Yên thúc đẩy tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ hơn. Chưa kể, tới đây, tại Gia Lâm cũng như phía Đông Hà Nội sẽ còn hoàn thiện hơn nữa với sự hiện diện của 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, bên cạnh 8 công trình đang hiện hữu. Trong đó, 4 dự án đang triển khai và sắp thi công trong tương lai gần, gồm: cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở...sẽ tạo ra khả năng siêu kết nối vùng.

Theo ông Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm, tỷ lệ đô thị của huyện đã đạt 100% địa bàn. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã xác định tập trung xây dựng hạ tầng khung: Đường giao thông, trường học, vườn hoa, sân chơi, các công trình phúc lợi. Riêng về đô thị, tại Gia Lâm đã có hơn chục khu nhà ở được đầu tư xây dựng hiện đại. Hiện nay, huyện đã được thành phố Hà Nội ấn định thành quận vào năm 2023.

Ở phía Tây thành phố, huyện Hoài Đức cũng nổi lên như điểm sáng về quy hoạch và phát triển đô thị. Theo đó, năm 2008, huyện này đã có 40 khu đô thị được duyệt. Đến nay, có nhiều dự án đô thị đã hoàn thành xây dựng như: Kim Chung - Di Trạch; Bắc và Nam An Khánh...

Với việc phát triển đô thị nhanh và sớm, nhiều địa phương của Hoài Đức đã trở thành "phường" từ nhiều năm nay. Xã An Khánh thuộc huyện, trước đây người dân 5 thôn của xã chuyên cấy lúa trồng hoa màu trên đất nông nghiệp thì nay chuyển đổi hết sang đất đô thị. Những cánh đồng lúa xưa kia, nay là tòa cao ốc hay khu biệt thự sang trọng. Đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp hơn. Các thiết chế văn hóa của địa phương được giữ gìn, tu tạo.

Theo ông Nguyễn Đăng Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh, giờ đây người dân quen dần với cuộc sống đô thị, hấp thụ nhiều việc làm mới thay thế cho công việc đồng áng trước đây, khi địa phương thành đô thị. Xã hiện nay không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người là 72 triệu đồng/người/năm.

Chưa đồng bộ trong quy hoạch

Chú thích ảnh
Khu đô thị Vinhome Ocean Park, huyện Gia Lâm (Hà Nội) là khu đô thị hiện đại với nhiều tiện ích, tạo điểm nhấn cho thủ đô Hà Nội. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo UBND thành phố Hà Nội, mặc dù tốc độ đô thị hóa đã đạt được một số mục tiêu, tuy nhiên việc phát triển nhanh và chưa có kế hoạch cụ thể đã tạo ra một số hệ lụy như: Phát triển mất cân đối, thiếu đồng bộ, đầu tư dàn trải, không tập trung…

Việc quản lý đầu tư phát triển đô của thành phố còn những khó khăn, vướng mắc; trong đó, phải kể đến tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt phần lớn các quy hoạch còn chưa đáp ứng được tiến độ đề ra. Quy trình triển khai các quy hoạch cấp dưới phải cụ thể hóa nhiều nội dung của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt; trong đó có những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, mất nhiều thời gian thống nhất, nhất là quy trình lấy ý kiến địa phương, cộng đồng dân cư và ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.

Sau khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt năm 2011, Hà Nội liên tục xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống đô thị. Tuy nhiên, do điều kiện sáp nhập ranh giới hành chính năm 2008 và định hướng quy hoạch Thủ đô nên đòi hỏi cần có sự xác định lại ranh giới hành chính đô thị của một số địa phương, tạo điều kiện để có đơn vị hành chính quản lý các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái theo quy hoạch.

Ngoài những nguyên nhân khách quan do vướng mắc về cơ chế, chính sách thì tại Hà Nội cũng có những nguyên nhân chủ quan từ doanh nghiệp, địa phương đã không thực hiện nghiêm quy hoạch, làm "ngáng trở" quá trình phát triển đô thị, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Ở Hà Nội nhiều khu đô thị sau khi giải phóng mặt bằng nhưng không xây dựng, "đắp chiếu" suốt nhiều năm. Đơn cử tại huyện Mê Linh có hàng chục dự án đô thị bỏ hoang cả thập kỷ nay như Cienco 5, dự án Hà Phong, dự án Minh Giang Đầm Và, dự án Minh Đức, AIC Mê Linh…cỏ mọc um tùm, là nơi chăn thả bò của người dân địa phương.

Ngoài ra, tại Hà Nội nhiều khu đô thị mới xây dựng nhưng cứ mưa là ngập, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Hoặc tại đường Lê Văn Lương – Tố Hữu, quận Thanh Xuân có mật độ chung cư dày đặc với khoảng 40 chung cư nhưng lại thiếu sân chơi vườn hoa, sân tập, trạm y tế, trường học, cây xanh. Những nội dung trên là bất cập trong quy hoạch và quản lý quy hoạch của thành phố.

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, để việc quy hoạch xây dựng, phân loại đô thị, thực hiện hiệu quả trong giai đoạn tới, thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với thành phố trong quá trình lập, thẩm định các quy hoạch chung đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực quan trọng, các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan và các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn.

Thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch xây dựng trụ sở Bộ, ngành Trung ương và ban hành danh mục, tiêu chí, lộ trình và giải pháp di dời ra khỏi khu vực nội thành, làm cơ sở để Hà Nội chỉ đạo, rà soát, sử dụng quỹ đất sau di dời theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện tích cực rà soát, đánh giá, điều chỉnh việc xây dựng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050; xây dựng quy hoạch vùng huyện.

Ở nội dung này, ông Nguyễn Hoàng Trường, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, căn cứ vào Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng quản lý và phát triển đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045, huyện đang đề xuất thành phố điều chỉnh một số bất cập; trong đó tập trung về tiêu thoát nước, xử lý nước thải, giao thông, điều chỉnh trục Hồ Tây- Ba Vì. Đặc biệt, huyện đang điều chỉnh quy hoạch để khớp nối hạ tầng giữa khu dân cư cũ với những đô thị mới để việc phát triển đô thị trên địa bàn hài hòa.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố, căn cứ chỉ đạo của thành phố, Trung ương, sở đang hướng dẫn chuyên môn cho các quận, huyện rà soát quy hoạch đô thị; quy hoạch nông thôn đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế, những nội dung không còn phù hợp, đề xuất bổ sung, điều chỉnh các phương án quy hoạch tích hợp, bảo đảm đầy đủ, chính xác, thực chất, hiệu quả, tránh cách làm đại khái, chung chung, không rõ nội dung, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển theo quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và tầm nhìn Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Triển khai Nghị quyết 06/NQ-TW: Bịt 'lỗ hổng' trong quy hoạch đô thị
Triển khai Nghị quyết 06/NQ-TW: Bịt 'lỗ hổng' trong quy hoạch đô thị

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị nhanh, bền vững đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN