Tuy nhiên, qua theo dõi, tổng hợp, giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội và ý kiến, kiến nghị của cử tri, một số nội dung, vấn đề đã được HĐND thành phố quyết nghị, kết luận, đến nay việc thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả, cần được tái chất vấn để làm rõ nguyên nhân, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan; xác định rõ trách nhiệm, lộ trình và các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, tại phiên họp, các đại biểu HĐND thành phố đã tái chất vấn việc thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND thành phố đã đến thời hạn giải quyết nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả.
Điển hình như, đại biểu Nguyễn Bích Thủy (Tổ Cầu Giấy) nêu câu hỏi về tiến độ thực hiện dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, sau nhiều năm dự án vẫn chưa hoàn thành. Trả lời về nội dung này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, các đơn vị đã hoàn thành thi công và đưa vào khai thác 18,5 km, còn lại 23 km, trong đó có 14 km trên địa bàn huyện Ứng Hòa và 9 km trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Trong 23 km, đã giải phóng mặt bằng xong 20 km và hiện còn 3 km chủ yếu thuộc địa bàn huyện Ứng Hòa, vướng mắc chủ yếu liên quan đến 23 hộ tái định cư. Vướng mắc lớn thứ hai là việc phê duyệt điều chỉnh dự án. Dự án này chuyển tiếp từ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) của UBND tỉnh Hà Tây cũ. Để giải quyết các vướng mắc chung của các dự án chuyển tiếp, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tháo gỡ toàn diện.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, với phần đã giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư đang tiếp tục thi công. Cụ thể, phần thi công đoạn từ Km18+560 đến Km19+900 dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30/4/2025; đoạn tiếp nối từ Km19+900 đến Km41+500 đang thi công nền đường và đường công vụ. Đồng thời, nhà đầu tư đang triển khai các cầu trên các tuyến đường. Ông Dương Đức Tuấn cho biết thêm, dự án đã bắt đầu triển khai tích cực. Nhà đầu tư và các đơn vị cùng cam kết năm 2025 sẽ hoàn thành dự án.
Bên cạnh đó, làm rõ thông tin về các dự án đối ứng xây dựng 3 khu đô thị mới liên quan dự án đường trục Bắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đối với 2 khu đô thị mới Thanh Hà A, B (huyện Thanh Oai) đã và đang triển khai, UBND thành phố chỉ đạo đồng bộ các vấn đề liên quan, như: Quản lý các vi phạm, quản lý điều chỉnh chủ trương đầu tư, quản lý điều chỉnh quy hoạch chi tiết để hoàn chỉnh 2 khu đô thị này, đồng thời, xử lý các vấn đề về cấp nước. Đối với Khu đô thị mới Mỹ Hưng đã có chủ trương đầu tư và quy hoạch chi tiết 1/500. Trên cơ sở này, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cả 3 khu vận hành bình thường. Các yếu tố pháp lý liên quan đến dự án đều bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư.
Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Bắc Từ Liêm) nêu ý kiến, tại kỳ họp HĐND vào giữa năm 2022, UBND thành phố báo cáo, đối với quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố, tổng số nợ phải thu là 1.112,5 tỷ đồng. Đến quý II/2024, mới thu được 227,9 tỷ đồng, tương ứng 20,5%. Dù theo kế hoạch, nhiệm vụ này phải hoàn thành trong năm 2023, nhưng sau gần 2 năm số nợ còn phải thu còn lớn, nguy cơ xảy ra thất thoát nguồn thu nếu không quản lý tốt.
Trả lời đại biểu, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tổng số nợ phải thu của công ty qua các quỹ nhà là 1.112,5 tỷ đồng. Quá trình thu nợ từ năm 2022 đến tháng 6/2024, tổng số thu là 227 tỷ đồng, số còn nợ hơn 800 tỷ đồng. Công ty xác định số phải thu nợ tập trung vào 9 quỹ nhà và 9 nội dung cụ thể, trên cơ sở đó đã kiến nghị một số nội dung, như người dân được nộp tiền trả chậm theo quy định.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, hiện có một số vướng mắc liên quan số nợ lớn tập trung với quỹ nhà ở chuyên dùng, quỹ nhà tạm cư phục vụ dự án cải tạo chung cư cũ, di dời nhà ở nguy hiểm, công ty đang tiếp tục xử lý. Với tất cả trường hợp nợ luân chuyển, nợ đọng, công ty đang phối hợp các đơn vị xử lý, cơ bản sẽ thu được hết. Với các khoản nợ khó đòi, liên quan đến cơ chế, chính sách, công ty đã phân nhóm và báo cáo UBND thành phố để có phương án với từng loại.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết thêm, các đơn vị đã chia khoản nợ này làm 3 loại chính: Nợ luân chuyển có khả năng thu hồi, nợ khó khu và nợ xấu khó đòi, khả năng thu hồi thấp, trên cơ sở đó đã báo cáo UBND thành phố và được chấp thuận các giải pháp triển khai. Với nợ luân chuyển có khả năng thu hồi được, các đơn vị đang tập trung đôn đốc. Các trường hợp vi phạm nghĩa vụ tài chính, thành phố đã có quyết định thu hồi.
Vừa qua, thành phố đã ban hành 33 quyết định để thu hồi quỹ nhà đối với các đơn vị vi phạm. Sở Xây dựng cùng Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và chính quyền địa phương đang thu hồi hoặc cưỡng chế thu hồi. Với các đơn vị chây ỳ, nợ đọng cũng đều được lập hồ sơ để thành phố ban hành quyết định thu hồi. Liên quan đến nợ xấu khó đòi và khả năng thu hồi thấp do vướng mắc về cơ chế, chính sách, sắp tới sẽ tập trung lập hồ sơ đấu giá quyền thuê.
Cũng tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã thẳng thắn nhận định, vẫn còn có một số dự án, nội dung công việc chưa đảm bảo tiến độ đã cam kết, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn rà soát, phân loại, đánh giá các tồn tại, vướng mắc cần được tháo gỡ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết để từ đó chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “Với sự quan tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm trong xử lý công việc; các vướng mắc, tồn tại sẽ được giải quyết triệt để, các nguồn lực sẽ được khơi thông, các nội dung, vấn đề, dự án đã được HĐND thành phố chất vấn, tái chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay sẽ tiếp tục được tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đáp ứng mong đợi của cử tri”.