Thưa ông, Hà Nội đã định hướng xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP như thế nào?
Việc phát triển sản phẩm OCOP Hà Nội phần lớn do lịch sử văn hoá để lại. Bên cạnh đó là sự quan tâm chỉ đạo của thành phố Hà Nội, nên sau 3 năm, Hà Nội đã phát triển được 2.167 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước. Trong đó, có 8 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.
Chất lượng sản phẩm OCOP của Hà Nội đang được nâng lên. Đặc biệt, bộ tiêu chí mới ban hành tháng 2/2023 đã có điều chỉnh, hướng tới các xã có sản phẩm OCOP với sự tham gia của địa phương. Với việc điều chỉnh tiêu chí và tổ chức sáng tạo, Hà Nội sẽ khai thác được thế mạnh sản phẩm đặc sản vùng miền. Đây là thế mạnh của nông nghiệp Thủ đô.
Để phát triển bền vững sản phẩm OCOP, cần quan tâm đến sức mạnh cạnh tranh của cộng đồng, tức là vùng nguyên liệu, hợp tác xã nông nghiệp, nguồn gốc xuất xứ vùng nguyên liệu đó thực hiện đúng quy chuẩn.
Đồng thời, việc kiểm soát của chính quyền địa phương thông qua tiêu chí, đánh giá và đánh giá lại sản phẩm OCOP là công cụ để đánh giá chất lượng sản phẩm và nâng sao, nâng hạng sản phẩm OCOP.
Thời gian qua, Hà Nội cũng liên tục tổ chức các tuần hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, tạo thành nề nếp tại các địa điểm để thu hút người tiêu dùng; có sự phối hợp các sở ngành, địa phương thời gian khác nhau. Bên cạnh sản phẩm OCOP, có các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp an toàn theo chuỗi đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Thưa ông, thời gian tới, Hà Nội sẽ tạo nguồn từ đâu để tăng thêm các sản phẩm OCOP? Bên cạnh tuần hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức kết nối chuỗi liên kết ra sao?
Trong thời gian tới, định hướng đến năm 2025, Sở NNPTNT Hà Nội sẽ củng cố, rà soát, loại bỏ những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn để duy trì chủ thể đủ năng lực, nâng cao chất lượng. Chúng tôi dự kiến phát triển thêm 2.000 sản phẩm OCOP.
Trước tiên, chúng tôi định hướng tới làng nghề bởi đó là nơi tiềm năng sản phẩm OCOP. Các làng nghề thành phố công nhận có chủ thể tham gia vào sản phẩm OCOP để vừa đảm bảo chất lượng nhưng cũng tăng số lượng.
Thứ hai là các xã tham gia thực hiện tiêu chí nông thôn mới cũng phải khai thác đặc sản vùng miền.Đây cũng là tiêu chí cho nông thôn mới nâng cao. Đó cũng là cơ sở để nâng số lượng sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, đơn vị quản lý Nhà nước nâng cao chất lượng, kiểm tra, đánh giá, rà soát lại sản phẩm OCOP, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia xúc tiến, hỗ trợ điểm bán, trung tâm giới thiệu, trung tâm sáng tạo…; gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới khi chính quyền vào cuộc, người dân tham gia. Đây là đặc sản vùng miền, khai thác giá trị lịch sử văn hoá nông nghiệp, nông thôn để tạo ra giá trị hàng hoá.
Để làm điều này, nông dân, các chủ thể, doanh nghiệp tuân theo quy chuẩn, chuỗi liên kết thực hiện như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, các đơn vị trong ngành kết nối, tư vấn các chuỗi theo từng lĩnh vực; hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Nếu doanh nghiệp không quan tâm đến chất lượng sản phẩm và theo truyền thồng tự sản tự tiêu thì không xây dựng thương hiệu, không nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thứ hai đưa vào danh mục chuỗi giá trị để đào tạo năng lực quản lý các chủ thể. Hiện đã có những yếu tố manh nha cho việc hình thành chuỗi giá trị. Chúng tôi sẽ thống kê và tư vấn hướng dẫn để có sản phẩm có nhãn hiệu theo quy định. Đồng thời, phối hợp với vùng nguyên liệu để tạo sự liên kết và truy xuất nguồn gốc.
Hiện nay, sự quan tâm của người tiêu dùng qua tuyên truyền, truyền thông đến sản phẩm OCOP để đảm bảo sức khoẻ của mình ngày càng tăng. Do đó, các đơn vị cần làm rõ nguồn gốc xuất xứ, làm rõ trách nhiệm của các khâu. Nếu các đơn vị không làm tốt, cơ quan nhà nước cần kiểm tra hậu kiểm.
Sản phẩm làng nghề, nếu không có tiêu chuẩn xuất xứ rõ ràng thì không xuất khẩu được. Do đó, để làm tốt vấn đề này phải sử dụng chuyển đổi số, xây dựng chuỗi giá trị minh bạch để người tiêu dùng kiểm soát tốt nhất sản phẩm.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội.