Ngày 10/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và thông qua chủ trương điều chỉnh chủ trương đầu tư 14 dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 20.000 tỷ đồng; trong đó, HĐND thành phố đã thông qua chủ trương trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 11.196 tỷ đồng.
Cùng với đó, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2025; danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo nghị quyết, thông qua danh mục 2.527 dự án thu hồi đất năm 2025 với tổng diện tích 9.917,71 ha và thông qua danh mục 430 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với tổng diện tích 1.095,66 ha.
Theo đó, kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng: Trên cơ sở danh mục dự án được HĐND thành phố thông qua, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố đã có trong kế hoạch đầu tư công của thành phố được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách thành phố năm 2025 của HĐND thành phố. Các dự án thuộc ngân sách cấp huyện để các quận, huyện, thị xã bố trí. Các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng trong năm 2025.
Sáng cùng ngày, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp thành phố. Theo nghị quyết, tổng điều chỉnh giảm Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm nguồn ngân sách thành phố là 50.946 tỷ đồng, gồm: vốn ODA vay lại giảm 3.287 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố trong nước giảm 47.658 tỷ đồng.
Nghị quyết cũng nêu rõ, đối với công trình trọng điểm cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai của từng dự án; lập kế hoạch cụ thể cho từng công việc của từng dự án hàng tháng và báo cáo chi tiết kết quả thực hiện hàng tháng cho Ban chỉ đạo Công trình trọng điểm và UBND thành phố; các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm.
Cùng với đó, thành phố tập trung rà soát, phân loại và xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ các công trình, dự án đầu tư công tồn đọng, dừng thi công kéo dài đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Bên cạnh đó, HĐND thành phố Hà Nội cũng giao UBND thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết và chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về đầu tư công.
Đồng thời, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể, trình HĐND thành phố xem xét, quyết nghị phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và bổ sung kế hoạch vốn năm 2025 cho các dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo tuân thủ nguyên tắc và thứ tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công (trước hết ưu tiên cho các dự án chuyển tiếp để sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư).
Tại nghị quyết, HĐND thành phố Hà Nội cũng giao UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư, có giải pháp đấu nối thích hợp, khớp nối đồng bộ, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp, đảm bảo không trùng lặp và tiết kiệm, hiệu quả và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định; xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án, kinh phí giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng chế độ, chính sách hiện hành...
Ngoài ra, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao: thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư của các dự án; tăng cường kiểm tra nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình; hướng dẫn, phối hợp cùng chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giúp chủ đầu tư hoàn thành dự án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng công trình.