Lưu vực sông Bùi và các vùng phụ cận bao gồm các huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức (thành phố Hà Nội) và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã phải chịu ngập lụt nghiêm trọng vào các năm 2008, 2017, 2018, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt và môi trường sống của người dân. Khu vực chịu ngập lụt, úng nghiêm trọng là phía hữu Bùi của huyện Chương Mỹ và phía hữu sông Tích của huyện Quốc Oai. Đặc biệt năm 2018, người dân nơi đây từng phải hứng chịu ngập lụt tới hơn 20 ngày.
Đợt mưa lớn kéo dài gần đây nhất vào giữa tháng 9 năm 2022 đã khiến nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội bị ngập nước. Đặc biệt, tại 14 thôn thuộc 9 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ, khoảng 312 hộ dân với hơn 1.500 nhân khẩu đã bị ngập sâu, có vị trí đo được lên đến 1m.
Ông Hoàng Văn Đăng - Trưởng thôn Hạnh Côn (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) cho biết, từ năm 2018 đến nay, ngôi làng nhỏ nằm ven sông Bùi mới lại bị ngập sâu nước đến nửa mét. Mùa mưa lũ những năm gần đây, nước sông Bùi có thời điểm vẫn lên cao, nhưng chủ yếu chỉ gây ngập ruộng đồng và đường giao thông…
Người dân sinh sống ven sông Bùi, sông Tích thuộc địa phận các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai hẳn vẫn chưa quên trận lụt lịch sử hồi tháng 7/2018. Đó là thời điểm mực nước sông Bùi lên tới +7,51m, con số cao nhất ghi nhận được trong lịch sử. Trong khi mực nước sông Tích cũng cao hơn báo động 3 đến 0,6m.
Trận lụt năm đó đã khiến hàng ngàn hộ dân thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai... chìm trong biển nước. Nhiều gia đình phải sơ tán đến nơi tránh trú an toàn. Tình trạng ngập lụt kéo dài hàng tháng trời, khiến sản xuất bị ngưng trệ, đời sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn, dù đã được chính quyền các cấp hỗ trợ tích cực.
Ông Nguyễn Duy Du, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho biết, ngập lụt không còn là hiện tượng hiếm gặp trên địa bàn thành phố. Lịch sử đã từng ghi nhận những trận lũ lớn trên sông Tích, sông Bùi, xảy ra vào các năm 1971, 1985, 2008, 2017. Điều này cho thấy, nguy cơ xảy ra lũ lụt tại Hà Nội luôn tiềm ẩn và không thể chủ quan.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Nam Sách - Viện Quy hoạch thủy lợi, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do yếu tố bất lợi về địa hình, tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, khả năng chống lũ của một số tuyến đê trong lưu vực còn hạn chế; trong đó, tuyến đê hữu Bùi chưa liền tuyến, thiếu cao trình chống lũ so với quy hoạch từ 1,5 đến 2,5m; chưa có giải pháp ngăn lũ rừng ngang từ sườn núi phía Tây đổ về. Thêm nữa, nhiều công trình tiêu úng của các huyện Chương Mỹ và Quốc Oai đã xuống cấp, chưa đáp ứng hệ số tiêu ngày càng lớn...
Thực tế đã có khá nhiều đề tài, dự án nghiên cứu về lũ trên lưu vực sông Bùi. Kết quả những nghiên cứu này đã đề xuất cải tạo, nâng cấp các tuyến đê tả Bùi, hữu Bùi, góp phần nâng cao mức bảo đảm phòng, chống lũ cho lưu vực. Tuy nhiên, các giải pháp được thực hiện còn mang tính cục bộ, chưa giải quyết triệt để tình trạng ngập lụt, úng.
Nói cách khác, ngập lụt trên lưu vực sông Bùi là vấn đề phức tạp, vừa có nguyên nhân lũ trên sông lớn tràn vào trong đồng, vừa có nguyên nhân từ lũ núi (lũ rừng ngang) chảy tràn qua lưu vực. Bên cạnh đó, lưu vực này còn làm nhiệm vụ tiếp nhận việc chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy.
Do đó, giải pháp phòng, chống lũ cho lưu vực sông Bùi cần được tiếp cận theo hướng tổng hợp. Đó là cải tạo lòng dẫn sông Tích, sông Bùi, sông Đáy; nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước; xây dựng các tuyến kênh cách ly lũ núi; nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đê, trạm bơm tiêu, hồ điều hòa và di dân vùng dễ sạt lở, ngập lũ...
Ngoài ra, một số giải pháp công trình như điều tiết hồ chứa để cắt lũ, xây dựng các hồ điều hòa trữ nước cũng chưa được xem xét trong các nghiên cứu đã có. Với đặc điểm phân bố dân cư phân tán trên khu vực hữu Tích, hữu Bùi, không thể bảo vệ triệt để các khu dân cư bằng giải pháp công trình. Một số khu vực dân cư cần phải di dời để giảm thiểu rủi ro về ngập lũ. Giải pháp này chưa được đề cập đến trong các đề tài và dự án đã thực hiện...
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Nam Sách cũng đề xuất các cấp, ngành cần thay đổi cách tiếp cận về phòng, chống lũ từ giải pháp “cứng” sang “mềm”; từ ưu tiên công trình sang phi công trình; từ việc chống lũ, loại bỏ lũ sang chấp nhận sự xuất hiện lũ và thực hiện các giải pháp giảm nhẹ.