Đây cũng là thời kỳ lũ chính vụ, mưa lũ xảy ra thường xuyên trên các hệ thống sông. Vào thời kỳ này, khả năng xảy ra từ 3 - 5 trận lũ với biên độ lũ từ 1 - 3m, đề phòng khả năng xảy ra xói, sạt lở đất do mưa ở vùng đồi núi tại các huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Ba Vì và các khu vực lân cận…
Để chủ động, sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai xảy ra, ngay từ đầu năm 2024, UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt với các cấp, ngành nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động rà soát, xây dựng, hoàn thiện chương trình, phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị, sẵn sàng với các tình huống xảy ra.
Sáu tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 85 vụ việc, trong đó có 73 vụ hỏa hoạn, 2 vụ cháy rừng, 2 vụ nổ, 3 vụ sập đổ công trình, 5 vụ tìm kiếm cứu nạn. Bộ Tư lệnh Thủ đô đã huy động hàng ngàn người phối hợp với các đơn vị chức năng để tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, 2 vụ cháy rừng tại huyện Thạch Thất và huyện Sóc Sơn đều được phát hiện và dập tắt kịp thời, không để lan rộng. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 24 vụ cháy rừng và giảm trên 37,5 ha rừng bị cháy.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã phát sinh 5 sự cố về đê điều. Công tác kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, bờ bãi sông được thực hiện thường xuyên. Các sự cố, hư hỏng công trình đê điều được phát hiện, xử lý kịp thời. Bằng các nguồn vốn khác nhau, hệ thống đê điều của thành phố đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, hoàn thiện.
Thành phố cũng thường xuyên đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng hệ thống công trình thủy lợi; nạo vét đồng bộ theo lưu vực chính đến các tuyến nhánh hệ thống thoát nước, giải quyết các bức xúc dân sinh về thoát nước; vận hành đúng quy trình bảo đảm mức nước khống chế trên hệ thống thoát nước. Thành phố tổ chức ứng trực, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, giải quyết ngay các sự cố úng ngập trên địa bàn được phân công… phục vụ tiêu thoát nước cho nội thành và chống úng ngập ngoại thành.
Tuy nhiên hiện nay, thành phố Hà Nội thường xuyên chịu ảnh hưởng ngập lụt khi có mưa lớn. Tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi vẫn diễn biến phức tạp; việc ngăn ngừa, xử lý các vi phạm còn hạn chế. Mặt khác, sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa chặt chẽ…
Để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra, thời gian tới, UBND các cấp, các sở, ngành thường xuyên rà soát, kiện toàn cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
UBND các cấp, các sở, ngành tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của Trung ương và thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hạn; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, môi trường.
Các đơn vị chú trọng kiểm tra, theo dõi, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng điểm, xung yếu, kịp thời phát hiện vi phạm, sự cố, nguy cơ gây mất an toàn; kịp thời triển khai các biện pháp xử lý sự cố giờ đầu, tham mưu đầu tư, sửa chữa, duy tu nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu, đất canh tác của nhân dân...