Vị trí xây dựng cầu vượt qua đường Lê Văn Lương tại vị trí cách ngã tư giao cắt giữa đường Lê Văn Lương và đường Hoàng Đạo Thúy khoảng 130m (trước khu vực tòa nhà chung cư N4B Trung Hòa - Nhân Chính).
Hiện Sở Giao thông Vận tải đã tiến hành khảo sát hiện trạng khu vực đề xuất xây dựng cầu vượt. Theo đó, tuyến đường Lê Văn Lương có chiều dài khoảng 2 km, chiều rộng 50 m, vỉa hè mỗi bên rộng 5 - 10 m, là tuyến trục quan trọng của thành phố. Hai bên tuyến đường có nhiều tòa nhà chung cư với quy mô dân số lớn và nhiều trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…
Đáng chú ý, tuyến đường Lê Văn Lương có mật độ tham gia giao thông rất cao, trên tuyến có tuyến buýt nhanh BRT sử dụng làn đường riêng. Trục Lê Văn Lương thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm, việc sang đường của người dân gặp khó khăn, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ thực tế trên, việc đề xuất xây dựng cầu vượt phục vụ dân sinh là phù hợp và cần thiết nhằm tăng cường năng lực thông hành của tuyến đường, bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, dự án chưa nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, do đó để có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo cần triển khai các thủ tục cập nhật vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND thành phố giao UBND quận Thanh Xuân lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025 bằng nguồn vốn ngân sách thành phố; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND quận Thanh Xuân và các đơn vị liên quan triển khai các thủ tục để trình HĐND thành phố bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, toàn thành phố hiện có 70 cầu bộ hành, chủ yếu ở các nút giao cắt và khu vực gần trường học, bệnh viện, giúp người đi bộ thêm thuận lợi, an toàn khi sang đường.
Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống cầu vượt chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư, trong đó một phần là do ý thức của người tham gia giao thông. Do muốn rút ngắn thời gian đi lại, nhiều người dân vẫn bất chấp sự an toàn của chính mình và những người tham gia giao thông khác để băng qua đường thay vì sử dụng cầu bộ hành.