Cây đổ khi có mưa to, gió lớn đã trở thành vấn đề thường xuyên, kéo dài và đáng bàn nhiều năm nay tại thành phố Hà Nội. Đặc biệt, những trận “cuồng phong” như cơn bão số 3 vừa đi qua mới thấy được sự thiệt hại rất nặng nề, cây đổ đồng loạt trên nhiều tuyến phố tại nội thành Hà Nội. Câu hỏi đặt ra và cũng như ý kiến của nhiều người lúc này là tìm giải pháp tích cực, hữu hiệu để bảo vệ, khôi phục và giữ lại những cây đã bị đổ. Nếu làm được điều này thì sẽ bảo vệ “di sản” đặc trưng này của thành phố cổ ngàn năm văn hiến Thủ đô Hà Nội. Có thể thấy, sự mất mát, xót xa khi chứng kiến nhiều cây cổ thụ sao đen, sấu, sữa, xà cừ hàng trăm năm tuổi bật trơ gốc.
Đây cũng là vấn đề lãnh đạo thành phố Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội quan tâm trăn trở trong nhiều năm qua. Tại cuộc thị sát sáng nay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo, với những cây xanh hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ lại, trồng lại. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách các địa bàn cần quan tâm việc bảo vệ, khôi phục lại cây xanh ở các địa phương, tránh làm vội sẽ thiệt hại, khó khắc phục.
Ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch UBND quận Hai Ba Trưng cho biết, trên địa bàn quận có hàng trăm cây xanh đổ, quận đang đang huy động tối đa lực lượng và nhân dân tham gia khắc phục. Vì cây xanh đóng góp rất quan trọng cho cảnh quan môi trường nên quận chỉ đạo tổng số 3.199 người tham gia ứng phó bão số 3 trên địa bàn làm việc hết công suất để khắc phục hậu quả về cây xanh một cách nhanh nhất.
Sự vào cuộc của chính quyền các địa phương lúc này đang hết sức cần thiết, để phân biệt được cây nào giữ, cây nào bỏ. Đây cũng là điều cần được phổ biến sớm, tránh các địa phương vội vàng, chủ quan duy ý chí chặt phá hàng loạt khó khôi phục khi cây đổ.
Phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng có đường Dương Văn Bé chìm ngập sâu trong nước và nhiều cây xanh đổ, nhưng đã kịp thời huy động tối đa lực lượng để vào cuộc xuyên đêm khơi thông cống rãnh, dọn dẹp, bảo vệ cây cối, giúp cho tuyến đường đã lưu thông trở lại bình thường nhanh chóng.
Sáng 8/9, toàn quận Hoàn Kiếm đã huy động tổng lực gần 2.500 dân quân cơ động, lực lượng Công an, Ban Chỉ huy quân sự... tham gia khắc phục hậu quả mưa bão, chủ yếu là cắt tỉa bảo vệ cây xanh.
Đề cập đến vấn đề làm sao để giữ gìn, khôi phục lại cây xanh đã bị đổ, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong chia sẻ, đây là vấn đề Sở rất quan tâm nhiều năm, cũng như sau cơn bão số 3, vì thiệt hại nặng nề với hàng ngàn cây xanh đổ. Sở đang chỉ đạo khẩn các bộ phận chuyên môn thống kê sớm, đồng thời chuẩn bị có phương án tổng thể, với các giải pháp hữu hiệu để khôi phục lại những cây đã đổ, gãy cành với hy vọng giữ được tối đa có thể.
Ông Võ Nguyên Phong cho biết thêm, đối với cây đổ, bật gốc các đơn vị sẽ cắt tỉa cành, dựng lên hoặc mang về nơi dâm ủ, dùng thuốc kích rễ cây để phục hồi. Đặc biệt, những cây quý, cây cố thụ sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ.
Tuy nhiên, theo ông Phong hiện đang gặp không ít khó khăn trong việc bảo vệ cây, vì các lực lượng đồng thời phải cưa cắt cây, vừa vận chuyển hoặc dựng cây để kịp thời giải phóng đường giao thông. Tuy nhiên, Sở đang nỗ lực để phối hợp với các địa phương quận, huyện chỉ đạo khắc phục sớm việc này.
Qua thực tế mưa bão, ông Phong cho thấy một thực tế rằng, nhiều cây hoa đẹp nhưng lại giòn, dễ đổ gãy như cây bằng lăng, phượng, muồng. Những cây này cũng có thể mang về dâm ủ khôi phục và sẽ tận dụng tối đa để đưa vào trồng tại các công viên, vườn hoa vừa tạo cảnh quan đẹp và có bóng mát.
Sáng 8/9, theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại hiện trường thiệt hại do bão tại hồ Tây - một hồ đẹp, rộng nổi tiếng của Hà Nội có rất nhiều cây phượng, muồng bật gốc. Qua quan sát đây là loại rễ chum, rất nông nên dễ đổ.
Ông Đỗ Cường một người dân sống ven hồ Tây kiến nghị, mặc dù đây là những loại cây có hoa đẹp, nhưng trồng ven hồ, có gió lớn thì không phù hợp và rất hay đổ, gãy cành. Thiết nghĩ các cơ quan chức nắng cần sớm nghiên cứu để đưa loại cây phù hợp hơn trong khu vực này.