Sáng 30/11, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến biểu dương hộ gia đình làm kinh tế giỏi và hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, dự và phát biểu tại Hội nghị.
Tại hội nghị, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, hằng năm, Thủ đô đã dành hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, cơ sở y tế, giáo dục và hỗ trợ sản xuất cho các xã vùng dân tộc, miền núi để phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Từ tháng 11/2021, UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với kinh phí đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, trở thành địa phương đầu tiên của cả nước ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc.
“Việc triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch này sẽ góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và vùng đồng bằng của Thủ đô”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Đến nay, vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm trên 12%. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc, miền núi còn 3,7%, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,96%. Thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; có 8/13 xã vùng dân tộc, miền núi của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức gương mẫu, tự giác của nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” trong tổng số hộ dân của thành phố từ 87 - 89%, trong đó, tại các xã miền núi, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” hơn 93%. Năm 2021, có 112/119 thôn, làng vùng dân tộc, miền núi đạt tiêu chí “Làng văn hóa”.
Thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô cũng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh…
Phát biểu tại Hội nghị, bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá cao việc Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có nhiều quyết sách, chính sách thiết thực chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ mặt nông thôn miền núi Thủ đô đã có sự phát triển đồng bộ rõ rệt, nếu không có các chính sách mang tính chất hệ thống thì sẽ không thể có được những kết quả, hiệu quả như vậy.
Để vượt lên những khó khăn đang đặt ra trước mắt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị Hà Nội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác dân tộc trong tình hình mới; bồi dưỡng chất lượng, ưu tiên đào tạo, tuyển dụng cán bộ là đồng bào dân tộc, xây dựng các dự án phát triển vùng miền núi song song với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc…
Bà Hoàng Thị Hạnh cũng đề nghị Thành phố cần tăng cường phát huy vai trò của các hộ gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình văn hóa tiêu biểu. Bên cạnh đó, các hộ gia đình tiêu biểu cần phải cố gắng hơn nữa, coi kết quả đạt được chỉ là bước đầu để tiếp tục vươn lên, hỗ trợ đồng bào nâng cao chất lượng đời sống hơn nữa…
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đã trao tặng Bằng khen cho 6 tập thể hộ gia đình, đại diện cho 23 tập thể hộ gia đình làm kinh tế giỏi, tập thể hộ gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2018-2020 trong đồng bào các dân tộc thiểu số Thủ đô được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen. Ban Dân tộc Thành phố cũng tặng Giấy khen cho 101 tập thể hộ gia đình tiêu biểu.